THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:20

Máy phát "áo mưa" miễn phí

3 trong 6 thành viên của nhóm bên chiếc máy phát bao cao su độc đáo.

Không còn ngại ngần

Chiếc máy độc đáo có hình khối chữ nhật, kích cỡ tương đương loại tủ thuốc gia đình, hoạt động bằng cách sạc điện. Bên ngoài in rõ dòng chữ “Tủ bao cao su”. Chỉ với một thao tác đơn giản là ấn nút ở mặt trước của chiếc máy, người dùng đã có ngay một chiếc BCS kèm theo lời chào dễ thương: “Cảm ơn bạn đã sử dụng!”.

Không những vậy, máy còn hiển thị được số lượng BCS hiện có. Góc bên phải tủ còn có một khe nhỏ để mọi người có thể quyên góp tiền với mục đích phục vụ việc duy trì phát BCS miễn phí và dùng cho những chương trình từ thiện khác.

Chiếc máy đầu tiên của nhóm được đặt tại trước cơ sở của Quận Đoàn Hải Châu (cũ) tại địa chỉ 180 Hoàng Diệu. Đến nay, sau một tháng triển khai, tổng cộng hơn 250 chiếc BCS chất lượng đã đến với người dùng.

Nguyễn Công Tín (nhóm trưởng) hào hứng cho biết: “6 thành viên sẽ thay nhau kiểm tra máy hằng ngày. Thông thường, khoảng 3 ngày lại nạp thêm BCS với 50 chiếc/lần. Mỗi lần nhóm tới bỏ BCS, bà con xung quanh xúm lại hỏi han. Các cô, chú còn kể rằng, từ ngày có máy, người dân quanh đây tự ý thức phải bảo vệ, không cho ai phá hay dán quảng cáo bậy bạ lên. Nhóm muốn gửi đi thông điệp là người dân hãy tự bảo vệ mình trước những hậu quả của việc quan hệ tình dục không an toàn”.

Anh Nguyễn Nam (30 tuổi, quận Hải Châu) sống gần nơi đặt máy, nhận xét: “Sinh viên mà nghĩ ra được một đồ dùng hữu ích cho xã hội như thế này là quý lắm. Ai ngại vô tiệm thuốc mua thì cứ tới đó lấy, có lòng thì góp ít tiền hỗ trợ các cháu. Thay vì các cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình phải đi từng nhà để phát BCS miễn phí, tôi thấy cách làm này hay hơn, tiện hơn, để từ đó người dân có ý thức hơn”.

Chiếc máy phát “áo mưa” miễn phí này là sản phẩm của nhóm tham dự cuộc thi Dự án Kinh tế cộng đồng, năm học 2015-2016, do Trường Đại học Duy Tân tổ chức vào tháng 2 này, với sự tham gia của sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở khu vực miền Trung.

Sản phẩm trí tuệ của sinh viên

Trải qua 2 tháng mày mò, nghiên cứu, chiếc máy phát BCS miễn phí đầu tiên của nhóm đã ra đời. Ngày đầu tiên nhóm đem máy đến trưng bày tại một cuộc triển lãm của trường, sinh viên ồ lên ngạc nhiên, tò mò nhưng tuyệt nhiên không dám đến gần vì… xấu hổ.

Đoàn Thị Thu Hà, thành viên của nhóm cho hay, chỉ dám nói với ba mẹ là đang làm một đồ án ở trường chứ không nói cụ thể đồ án gì vì sợ phản đối. Trong khi đó, Nguyễn Thị Thanh Hằng, thành viên của nhóm tự hào: “Kể từ khi báo chí đưa tin, bạn bè, họ hàng gần xa của bọn em hay hỏi máy đặt ở đâu để tới xem cho biết”.

6 bạn trẻ này đã làm được tổng cộng 4 chiếc máy phát BCS miễn phí. Chỉ còn vài ngày nữa, nhóm sẽ tiến hành lắp đặt chiếc máy thứ hai tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu.

Nguyễn Công Tín, trưởng nhóm chia sẻ: “Việt Nam luôn trong top có tỷ lệ phá thai cao nhất. Chúng em hy vọng với chiếc máy này sẽ nâng cao ý thức và hạn chế những rủi ro mang thai ngoài ý muốn cũng như phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, máy còn có chức năng lưu lại thời gian và số lượng BCS đã phát nhằm phục vụ công tác nghiên cứu xã hội”.

Trước những phản ứng tích cực từ cộng đồng, trong thời gian tới, nhóm mong muốn được chuyển giao máy cho chính quyền địa phương và các trung tâm y tế, dân số quản lý.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh