Máy bơm khủng được đề xuất chống ngập cho Tân Sơn Nhất
- Tây Y
- 21:41 - 20/06/2018
Máy bơm chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh có công suất 27.000 - 90.000 m3/giờ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (chủ đầu tư máy bơm thông minh chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh) vừa đề xuất UBND TP HCM cho lắp máy bơm tại lưu vực đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) và Phan Huy Ích (quận Tân Bình, Gò Vấp) để chống ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
"Hai tuyến đường này hoàn toàn có thể giải quyết ngập nếu được lắp máy bơm. Chúng tôi kiến nghị theo hình thức cho thuê dịch vụ trọn gói, không hết ngập không lấy tiền", ông Nguyễn Tăng Cường (Tổng giám đốc tập đoàn Quang Trung) khẳng định.
Theo ông Cường, qua khảo sát thực tế, cốt nền đường Nguyễn Văn Quá chỗ cao nhất 4,6 m và thấp nhất 1,65 m so với mực nước biển. Các khu vực lân cận tại phường Đông Hưng Thuận, Trường Chinh khi mưa lớn đổ dồn về đây, gây ngập khoảng 1,6 km với lưu vực khoảng 335 ha.
Còn đường Phan Huy Ích bị ngập khoảng 1,5 km với lưu vực gần 850 ha (trong đó 446 ha thuộc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất). Điểm cao nhất trên tuyến đường này là 6,8 m và thấp nhất 1,68 m so với mực nước biển.
"Nếu thành phố đồng ý, chúng tôi sẽ dùng máy bơm đường kính 3-4 m, công suất lên đến 400.000 m3 một giờ - lớn hơn nhiều lần so với cái tại đường Nguyễn Hữu Cảnh", ông Cường nói.
Về việc này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố đang thực hiện máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, cần tiếp tục theo dõi nên không mở rộng ở các khu vực khác.
Sau khi thử nghiệm thành công, ngày 19/4, Công ty Quang Trung và Trung tâm chống ngập ký hợp đồng thuê máy bơm đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh trong thời gian 7 năm, lưu vực chống ngập rộng 75 ha (song chưa xác định giá cụ thể). Yêu cầu được đặt ra là đảm bảo tuyến đường không ngập theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (mực nước nhỏ hơn 0,1 m) - đoạn từ Điện Biên Phủ đến Võ Duy Ninh.
Từ khi đưa vào hoạt động, máy bơm giúp đường Nguyễn Hữu Cảnh thoát nước nhanh mỗi khi mưa lớn nhưng cũng có lần bị ngập đến nửa mét. Chủ đầu tư cho rằng do rác gây tắc nghẽn cống, nước không về trạm bơm được, và không loại trừ khả năng có hành vi cố tình phá hoại.
Nguyên nhân thứ hai chủ đầu tư đưa ra đã bị nhiều đơn vị phản bác, cho rằng do thiết kế của công trình này có nhiều bất cập.