THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:25

Máu của tôi đi đâu ?

.

Sau khi Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phát đi thông báo về tình trạng thiếu máu trầm trọng, lượng người tham gia hiến máu tình nguyện tại Viện tăng gấp 10 lần ngày thường. Những đơn vị máu sau khi tiếp nhận từ người hiến đến khi hòa chung vào dòng máu của người bệnh nhân là cả một chu trình gồm rất nhiều công đoạn khép kín như : sàng lọc, chiết tách, xét nghiệm, phân loại và bảo quản trước khi đến tay người bệnh. Với chu trình chặt chẽ và không được phép mắc một sai lầm nào. Hàng chục nhân viên tại khoa Điều chế các thành phần máu (Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương) vẫn miệt mài ngày đêm làm việc để kịp thời điều chế những giọt máu quý giá đó.

Rất nhiều các bạn trẻ bằng tấm lòng nhân ái đã tích cực tham gia hiến máu nhân đạo

Nhu cầu sử dụng máu ở nước ta hiện nay ?

Mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu vì bị mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm hoạ, xuất huyết tiêu hoá...Do bị các bệnh gây thiếu máu, chảy máu: ung thư máu, suy tuỷ xương, máu khó đông...Các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền nhiều máu: phẫu thuật tim mạch, ghép tạng...

Mỗi năm nước ta cần khoảng 1.800.000 đơn vị máu điều trị. Máu cần cho điều trị hằng ngày, cho cấp cứu, cho dự phòng các thảm họa, tai nạn cần truyền máu với số lượng lớn. Hiện tại chúng ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu máu cho điều trị.

Tất cả những đơn vị máu thu được sẽ được kiểm tra nhóm máu (hệ ABO, hệ Rh), HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét. Sau đó bạn sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn (miễn phí) khi phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng nói trên. Đồng thời, những đơn vị máu được hiến đều phải có hồ sơ, trong đó có các thông tin về người hiến máu. Theo quy định,  đây là một thủ tục cần thiết trong quy trình hiến máu để đảm bảo tính xác thực thông tin về người hiến máu

Hiện nay, tình trạng các bệnh viện yêu cầu người nhà hiến máu khi có người thân cần truyền máu diễn ra phổ biến ở các địa phương trên cả nước do kho máu dự trữ không đủ. Điều này gây khó khăn rất lớn cho người bệnh đặc biệt là các bệnh nhân chuyển từ huyện lên tuyến tỉnh hoặc từ các tỉnh về tuyến Trung ương. Nhiều trường hợp đã không thể huy động được người nhà hoặc phải “mua người nhà” từ những người bán máu nên đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng người bệnh và an toàn truyền máu. Vì vậy, ngân hàng máu dự bị do những cá nhân, tổ chức nhân đạo hiến tặng là điều vô cùng cần thiết và quý giá đối với người bệnh.

Đường đi của máu từ hiến máu nhân đạo đến tay người bệnh ?

Theo thông tư số 33/2014/TT - BYT ngày 27/10/2014 của Bộ Y tế về quyền lợi và chế độ đối với người hiến máu tình nguyện quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn: Được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí. Tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe. Ngoài ra, những người hiến máu còn được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành như :

 + Phục vụ ăn nhẹ tại chỗ: tương đương 35.000 đồng.

+ Hỗ trợ chi phí đi lại (bằng tiền mặt): 45.000 đồng.

+ Nhận quà tặng (bằng hiện vật) nhằm động viên, khuyến khích đối với người hiến máu toàn phần tình nguyện:

Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng;

Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng;

Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.

Không những vậy, người hiến máu nhân đạo còn được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh, thành phố. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.

 Giấy chứng nhận của Sở y tế và món quà kỷ niệm đáng yêu

Theo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, trong năm 2014 cả nước đã tiếp nhận hơn 1 triệu đơn vị máu (trong đó chiếm 97% lượng máu từ người dân hiến), máu tiếp nhận được từ người hiến máu chỉ mới là nguồn nguyên liệu bước đầu cho một quá trình chuyên môn hết sức nghiêm ngặt trước khi đến tới bệnh nhân

 Từ nguồn máu người dân hiến phải trải qua các công đoạn, phân tách, xét nghiệm, bảo quản, lưu trữ mang đến các bệnh viện, truyền về từng khoa phòng làm các khâu kỹ thuật… những công đoạn đó tốn rất nhiều kinh phí.

Cụ thể các nhân viên tại khoa điều chế phải tiến hành những xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu (như: HIV, HBV, HCV, giang mai, sốt rét...), định nhóm máu hệ ABO, Rh; xác định huyết sắc tố.... Tiến hành sản xuất ra các thành phần máu khác nhau từ đơn vị máu toàn phần như: tiểu cầu, hồng cầu khối, bạch cầu, huyết tương, tủa lạnh yếu tố VIII... Thực hiện quy trình lưu trữ và bảo quản nghiêm ngặt về nhiệt độ, thời gian, độ rung lắc... trong điều kiện của ngân hàng máu. Đồng thời, phải tiến hành các xét nghiệm về nhóm máu, các kháng thể bất thường trước khi phát đơn vị máu đó cho người bệnh sử dụng

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Toàn bộ quy trình này nếu tính đúng khi mỗi đơn vị máu trải qua tất cả các công đoạn xử lý đến tay người bệnh có giá không dưới 2 triệu đồng. Tuy nhiên, người bệnh chỉ phải trả 450 đến 810 nghìn đồng tùy vào thể tích máu. Còn hơn 1 triệu đồng do Nhà nước vẫn đang tiếp tục bao cấp cho người bệnh khi sử dụng máu. Mặt khác, về cơ bản chi phí cho máu đã sử dụng được bảo hiểm y tế chi trả. Vậy số tiền cho một đơn vị máu là không lớn và người bệnh, đặc biệt là người nghèo cũng không phải chi trả. Ai suy nghĩ số máu hiến sao phải trả tiền thì đó là suy nghĩ chưa đúng”.

“Mỗi giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, cuối năm và hè năm nào cũng rơi vào tình trạng thiếu máu cấp cứu cho bệnh nhân và đặc biệt nhất tháng 6 năm nào cũng thế. Năm nay, do nhu cầu máu tăng đột biến, mất cân đối các nhóm máu nên kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Chứng kiến hình ảnh người dân thấp thỏm, chờ đợi được hiến máu, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã rất xúc động khi trong ngày 24/6, dù trời mưa bão nhưng người dân từ trẻ đến già vẫn nhiệt tình đến hiến máu. Trong ngày 26/6, người dân đã đến chật kín tầng 2 xếp hàng chờ hiến máu, có nhiều người gọi điện cho tôi tha thiết mong muốn được hiến máu. Người dân đã thực sự cùng với Viện Huyết học và Truyền máu chung tay giải quyết vấn đề thiếu máu.

Rất nhiều tấm lòng nhân ái xếp hàng chờ đợi được hiến máu

Qua sự việc thiếu máu lần này, GS.TS Nguyễn Anh Trí khẩn thiết bày tỏ, tình trạng khan hiếm máu vẫn là nỗi lo thường trực của các trung tâm truyền máu, nhất là trong mùa hè. Viện vẫn đang tiếp tục kêu gọi, vận động cộng đồng cùng chung tay vào cuộc, đặc biệt mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chia sẻ của mọi người dân trong cả nước.

Máu là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta. Hàng ngàn người không may mắn đang khao khát chờ có máu để được cứu sống. Đặc biệt là những ngày này, khi mà ngân hàng máu dự trữ đặc biệt là nhóm máu A và O đang trong tình trạng cạn kiệt, hàng trăm người dân đã tích cực đến một số điểm để hiến những giọt máu nhân đạo. Hành động ấy đã thực sự khiến nhiều người ngưỡng mộ, như những việc tử tế đang được nhân rộng và ngợi ca trong xã hội. ''Thương người như thể thương thân'' xin đừng ngần ngại, mỗi giọt máu của bạn là vô giá đối với mạng sống của một con người.

Trịnh Huệ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh