Mất trí nhớ vì món nem chạo, nem tai, nem thính
- Sức khỏe
- 21:12 - 19/04/2015
Mỗi lát cắt CT có 3 – 5 ổ sán não
Theo BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 45 tuổi ở Hưng Yên bị sốt cao, đau đầu, suy hô hấp… sau khi ăn nem chạo. Chụp CT bác sĩ tá hỏa vì màng não bệnh nhân tổn thương nặng do vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn gây ra. Tuy cứu được người, nhưng di chứng rất nặng là bị giảm thính lực, mất trí nhớ, lơ ngơ thần kinh.
Nem chạo là món khoái khẩu của nhiều người nhưng rất dễ mắc bệnh nếu ăn phải lợn bị bệnh
Món nem chạo là đặc sản cỗ ở nhiều vùng quê, làm từ xương sụn lợn sống và thịt dẻ sườn nhúng qua nước sôi để nguội rồi băm nhuyễn, bóp thính gạo và các gia vị, hành, tỏi, ớt, chanh tươi… để ngấm vài giờ là thành món tái khoái khẩu cho đàn ông nhâm nhi với rượu. Khi ăn món còn nguyên màu đỏ của xương sống, vị ngọt của tủy, nhưng đã hết mùi hôi tanh của thịt sống, ăn cùng lá sung, lá đinh lăng...
Nem chua được rất nhiều người ưa thích vì mùi vị đặc biệt, được làm từ thịt lợn sống, bì lợn trộn với thính, tỏi, ớt… gói vào lá chuối hơ qua lửa để 3 ngày cho gia vị ngấm là thành món nhậu ngon.
Không chỉ nem chạo, nem chua, nem thính, mà các món khoái khẩu như gỏi, tái… (thịt bò tái cuốn lá cải, phở bò tái, bê tái chanh…), cũng dễ mắc bệnh. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trước đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 58 tuổi, ở Cao Lộc, Lạng Sơn trong tình trạng lơ mơ, co giật… triệu chứng điển hình của sán não. Kết quả chụp CT sọ não khiến bác sĩ tá hỏa vì mỗi lát cắt thấy 3-5 ổ sán não, tổng cộng khoảng 50 ổ sán trong não bệnh nhân.
Cùng với nem chạo, cần cảnh giác khi ăn nem chua
Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cũng từng tiếp nhận bệnh nhân 59 tuổ, ở Tiên Lãng (Hải Phòng) bị đau đầu lâu ngày không khỏi, ăn uống gì cũng nôn, người gầy sút, chân phải không đi được… vì các ấu trùng sán lợn làm tổ trong não đè vào dây thần kinh gây chóng mặt, đau đầu…
Phát hiện sớm bệnh có thể khỏi hẳn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho hay, thói quen ăn các món tái có thể dẫn đến các bệnh sán dải bò, có thể dài cả chục mét. Nang sán trú lại chỗ nào sẽ gây bệnh chỗ ấy, nhưng 60 – 80% các trường hợp nang sán tập trung ở cơ, mắt và đặc biệt là não, trong hệ thần kinh trung ương. Người bệnh sẽ bị giảm sút trí nhớ, đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, bại chân tay, rối loạn cảm giác, liệt, tăng áp lực nội sọ… còn có các cơn co giật kiểu động kinh… nên dễ chẩn đoán nhầm, tốn nhiều thời gian đi viện mà không phát hiện ra bệnh.
Theo TS. BS Nguyễn Hương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, ăn thịt bò, lợn sống, tái chưa nấu chín phổ biến mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, bệnh đường ruột, ấu trùng sán… phải điều trị từ 3 tuần đến 2 tháng, tốn kém hàng trăm triệu đồng.
Nên hạn chế các món tái, sống trong bữa ăn
Do nguồn thực phẩm không được an toàn nên trong các món tái, gỏi… trứng sán vẫn sống, theo đường tiêu hóa vào cơ thể, nở thành giun sán và gây họa cho người sử dụng. Những người có bệnh sán dây không có biểu hiện rõ ràng vì các triệu chứng thường nhẹ hoặc không tồn tại. Chỉ khi những đốt sán già ở gần hậu môn sẽ rụng, chui ra khỏi hậu môn người bệnh khi ngủ mới biết. Các món tái sống còn chứa vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, E.Coli… dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Ký sinh trùng sống có thời hạn trong cơ thể nên những bệnh nhiễm ký sinh trùng nếu không tái nhiễm sẽ tự khỏi. Nhưng thực tế người bệnh liên tục bị tái nhiễm do thói quen ăn uống nên không tự khỏi bệnh. Các nang sán còn để lại di chứng não cho người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện, điều trị và phòng tái nhiễm ký sinh trùng là vô cùng quan trọng, nhất là người bị nang sán gây tổn thương ổ dịch não tủy từ não, gây giãn não thất, ứ nước trong não… cần phát hiện sớm, để phẫu thuật (bình thường chỉ cần điều trị nội khoa, không có chỉ định phẫu thuật). Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ khỏi hẳn các triệu chứng do ấu trùng sán gây ra, song có thể bị các nốt vôi hóa trong não.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, trong điều kiện kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo như hiện nay, để phòng bệnh tốt nhất người dân nên mua thịt tươi sống ở những nơi có xác nhận kiểm dịch của thú y.