Mất bao lâu để ung thư từ ủ bệnh đến khi được phát hiện?
- Bác sĩ
- 17:48 - 13/03/2020
Ung thư là một căn bệnh khó có thể lường trước được và tình hình phát triển bệnh phức tạp. Rất nhiều người mặc dù có vẻ ngoài khỏe mạnh, không có bất kỳ biểu hiện bất thường, nhưng lại đột nhiên nhận được hung tin bị ung thư. Cú sốc đến bất ngờ như thế này khiến không ít người dường như suy sụp hoàn toàn. Trong trường hợp của cô Lưu, ở Quảng Châu, Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Theo trang QQ, cô Lưu vào cuối năm 2019 cảm thấy cơ thể không được khỏe nên đã đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ nói rằng dạ dày của cô đang có vấn đề, dặn cô phải uống thuốc đúng giờ và chú ý đến những bất thường trong cơ thể. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên việc đến bệnh viện tái kiểm tra không thuận tiện và an toàn, cô thực sự cảm thấy rất lo lắng.
Một người bạn của cô Lưu đã nhắc nhở cô cần phải tiến hành các xét nghiệm nhanh chóng, vì ung thư nếu bị trì hoãn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Lời nói này khiến cho cô cảm thấy hoảng hoạn, bất an, vì quá lo lắng mà cô đã sụt cân rất nhiều.
Mất bao lâu để ung thư từ ủ bệnh đến khi được phát hiện?
Theo bệnh viện cổ truyền y học Trung Quốc ở Vân Nam, ung thư là một cuộc chạy đua với thời gian. Nếu ung thư được phát hiện càng sớm thì hy vọng chữa khỏi càng cao. Nhưng trong thực tế, nhiều người lại không quan tâm đến những bất thường trong cơ thể. Vì chủ quan mà họ không đến bệnh viện kiểm tra cho tới khi cảm thấy bản thân không thể chịu đựng được nữa. Lúc này, ung thư đã trong giai đoạn phát triển.
Dưới tác động của các yếu tố gây ung thư khác nhau, sự phát triển của tế bào bình thường bị xáo trộn dẫn tới sự tăng sinh bất thường, từ đó tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện.
Việc thay đổi từ tế bào bình thường sang tế bào ung thư không thể được thực hiện trong một đêm. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 10-20 năm giữa chất gây ung thư và sự phát triển của mầm bệnh.
Điều đáng lo lắng nhất là vào thời gian đầu, ung thư sẽ không có triệu chứng gì cả nhưng lại âm thầm sinh sôi các tế bào ung thư mỗi ngày. Vào thời điểm này, ngay cả khi đến bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ cũng chưa nhận thấy được điều gì bất thường. Một tế bào ung thư sẽ nhân lên trong 20 chu kỳ và đạt 1 triệu tế bào ung thư. Nhưng khi nó bước sang chu kỳ thứ 30 thì sẽ có 1 tỷ tế bào ung thư, lúc này khối u mới dễ dàng phát hiện và trọng lượng của khối u là 1gr.
Tại sao sức khỏe tháng trước bình thường nhưng tháng này lại phát hiện ra ung thư?
Điều này có thể là do 2 nguyên nhân: chẩn đoán bị sai sót và khám sức khỏe nhưng không nhắm vào mục tiêu cụ thể.
Nguyên nhân chẩn đoán bị sai sót có thể được chia thành nhiều loại như bác sĩ không đủ trình độ, các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác...
Trong trường hợp khác là cô Ly ở Hồ Nam, cô từng phát hiện ra một nốt sần nhỏ ở ngực. Khi đi khám thì bác sĩ nói rằng đó là khối u lành tính nên không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, sau một thời gian thì cô nhận ra các nốt này to dần ra và sờ vào cảm thấy đau. Cô đã đến một bệnh viện khác và được chẩn đoán chính xác là bị ung thư vú.
Mặt khác, việc kiểm tra y tế nghiêm ngặt thông qua việc xét nghiệm là cách tốt nhất để có thể phát hiện những tổn thương tiền ung thư. Việc sàng lọc cần dựa trên tuổi tác, tiền sử gia đình, giới tính, thói quen sinh hoạt và nhiều yếu tố khác là những bước cần thiết để phát hiện ung thư.
Ví dụ, những người hút thuốc trong thời gian dài cần phải chụp CT phổi thường xuyên, hay những người mắc ung thư thực quản cao do thói quen ăn uống không lành mạnh thì cần nội soi thực quản và dạ dày.
Hơn nữa, khoảng cách giữa các nhóm bệnh ung thư cũng khác nhau. Chẳng hạn như đối với ung thư gan thì cần phải kiểm tra sau 6-8 tháng một lần.
Tuy nhiên, việc kiểm tra sức khỏe phòng ngừa ung thư không được thực hiện giống như kiểm tra sức khỏe thông thường. Người bệnh cần đặt lịch và chờ đợi một thời gian. Vì vậy, nhiều người lo lắng trong khi sàng lọc ung thư thì các tế bào ung thư đã ngày càng lây lan nhiều hơn, dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã tính toán rằng trung bình các khối u sẽ tăng đôi kích thước sau 1-3 tháng, tương đương với tốc độ phát triển của trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cũng cho thấy các loại tế bào ung thư khác nhau sẽ có thời gian phát triển khác nhau. Đối với các bệnh ung thư ác tính, không chỉ các tế bào ung thư phát triển nhanh mà còn di căn ra nhiều cơ quan khác. Do đó, việc sàng lọc ung thư là không thể trì hoãn và nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Ung thư được xác định như một căn bệnh mãn tính. Một số bệnh ung thư có thể được chữa khỏi lâm sàng, nhưng số khác có thể sinh sống với những khối u trong suốt cuộc đời của mình.
Theo QQ