THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:16

Mạnh tay hơn nữa với các vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông

Vào tháng cận Tết Nguyên đán, áp lực giao thông trên nhiều tuyến đường lại tăng vọt, tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến, kể cả trong những ngày cuối tuần.

Từ vài tuần qua, hầu hết các tuyến đường trọng điểm như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Xuân Thủy, Đê La Thành, Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Trường Chinh… thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) trầm trọng. Kể cả những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, giờ thấp điểm, UTGT vẫn diễn ra phổ biến, gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông, cộng với ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông quá kém.

Mạnh tay hơn nữa với các vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông - Ảnh 1.

Không ít người tham gia giao thông đang tự làm khó mình khi cố tình đi sai làn, ngược chiều, chen chúc vượt ẩu, khiến ùn tắc nghiêm trọng hơn.

Dịp cận Tết, cùng với nhu cầu đi lại tăng cao, hiện tượng dừng, đỗ xe tràn lan dọc các tuyến đường cũng diễn ra dày đặc hơn. Đơn cử như trục đường có xe buýt BRT đi qua: Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ, xe dừng, đỗ tùy tiện, chiếm không gian lưu thông vốn đã nhỏ hẹp, khiến ùn tắc diễn ra hầu như suốt cả ngày. Hay các tuyến đường Giải Phóng, Trường Chinh, Nguyễn Xiển…, xe ô tô nối hàng chiếm cứ lòng đường, xe máy xếp kín vỉa hè, đâu đâu cũng chật chội, ngột ngạt.

Mặt khác, những hành vi vi phạm luật giao thông diễn ra khắp nơi cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên UTGT. Ví dụ như tình trạng xe máy đi ngược chiều thành đoàn tại ngã tư Tố Hữu - Khuất Duy Tiến, nhất là trong giờ cao điểm.Bên cạnh đó, tình trạng xe khách rùa bò trên các tuyến: Phạm Hùng, Kim Đồng, Giải Phóng, Pháp Vân vẫn ngang nhiên tiếp diễn. Nhiều vị trí dọc Vành đai 3 cả trên cao lẫn dưới thấp như đầu cầu vượt Mai Dịch; trước cổng trường Đại học Quốc gia; đường dẫn lên Vành đai 3 trên cao đoạn Nguyễn Xiển, hồ Linh Đàm… vốn đã là những bến cóc gây nhức nhối trong dư luận, nay còn nhộn nhịp, ồn ào hơn. Hàng ngàn chiếc xe khách “trá hình” vẫn ung dung ngày ngày quần thảo trên đường phố nội đô, kể cả trong giờ cao điểm. Xe Limousine, xe VIP đua nhau luồn lách mọi ngóc ngách đón khách, dừng đỗ bất cứ đâu, trước sự bất lực của người tham gia giao thông, thách thức nỗ lực giữ gìn trật tự, ATGT của lực lượng chức năng.

Mạnh tay hơn nữa với các vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông - Ảnh 2.

Cách nào hạn chế ùn tắc giao thông dịp cuối năm?

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, không ít người tham gia giao thông đang tự làm khó mình khi cố tình đi sai làn, ngược chiều, chen chúc vượt ẩu, khiến ùn tắc nghiêm trọng hơn.

“Ùn tắc tại một tuyến đường sẽ lan ra các tuyến xung quanh, cứ như hiệu ứng Domino, UTGT sẽ khiến cả khu vực nội thành nghẹt thở. Năm nay tình trạng đào đường, hè trong dịp Tết đã giảm hẳn, nhưng vi phạm giao thông thì vẫn diễn ra phổ biến, có thể thấy, vấn đề lớn nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông”

- Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định.

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tháng cao điểm Tết và dịp diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hầu hết các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông - vận tải… đều đã có kế hoạch ra quân, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả công tác chưa được như kỳ vọng.

Trên thực tế hiệu quả công tác của mỗi lực lượng đều có tác động, liên kết chặt chẽ với nhau; chỉ một khâu lơ là thôi sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến tất cả khâu khác. Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân phân tích, muốn có hành lang giao thông thông thoáng, góp phần giảm thiểu UTGT, phải xử lý được sạch sẽ các vi phạm dừng đỗ.

Mỗi dịp cao điểm Tết, nhiều lực lượng như: Dân quân tự vệ, Thanh tra giao thông - vận tải, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động… lại được huy động ra đường phối hợp với Cảnh sát giao thông phân làn, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, không phải chốt phân làn cũng phát huy được hiệu quả do chuyên môn hướng dẫn giao thông của các lực lượng không chuyên khó lòng đáp ứng được nhiệm vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tập trung nhận lực cho phân làn, có thể lập chốt xử phạt vi phạm ngay tại các nút giao lớn, giao cho lực lượng Cảnh sát trật tự, cơ động, Thanh tra giao thông - vận tải cùng phối hợp xử lý với cảnh sát giao thông. Các chốt này nên được duy trì thường xuyên hàng ngày, trong suốt thời gian cao điểm để hạn chế tối đa vi phạm của người tham gia giao thông, qua đó, hạn chế đáng kể UTGT. TS Đặng Minh Tân chia sẻ: “Trong giờ cao điểm tại nhiều nút giao lớn, nhìn người vi phạm lao vun vút qua mặt Cảnh sát giao thông rất bức xúc mà không có lực lượng bọc lót, xử lý nên tái diễn mãi không ngừng”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu cứ tiếp tục thả nổi hàng nghìn chiếc xe khách “trá hình tung hoành trong nội đô TP sẽ không cách nào duy trì được trật tự, kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật giao thông. Hiện vẫn có những lỗ hổng trong luật khiến việc quản lý loại hình xe hợp đồng dưới 10 chỗ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, TP Hà Nội có thể dùng các chế tài mềm, cấm xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên lưu thông trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường trọng điểm. Như vậy có thể hạn chế đáng kể UTGT do những chiếc xe khách “trá hình” gây ra.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh