Mâm cơm sẽ là minh chứng của hạnh phúc
- Bác sĩ
- 14:20 - 04/06/2020
Cô vợ vụng và triết lý sống: Không thay đổi mình để làm vừa lòng chồng
Cưới nhau 4 năm, Loan vẫn nấu nướng cho chồng theo cách cô quen thuộc trước khi cưới: Bữa nào cũng chỉ có đồ luộc với bát canh. Trứng luộc, thịt luộc, rau luộc, tôm hấp, cá hấp... Rau luộc chấm nước mắm mặn, nước luộc làm canh. Thỉnh thoảng hứng lên, cô rán ít đậu phụ (đương nhiên không có chuyện tẩm hành hay nhồi thịt, sốt cà gì hết), cắt nhỏ rau vào nấu với nước gia vị, cho thìa dầu ăn vào nguấy nguấy, xong!
Lý do rất đơn giản, mấy món kho, xào, hầm, nấu, nướng mà phải chế biến nhiều hơn một công đoạn, Loan thấy quá phiền, nêm nếm tẩm ướp mất thì giờ, nên cô không nấu và cũng không biết nấu. Trước lúc cưới, Loan đã nói thẳng với chồng chuyện mình vụng về bếp núc. Anh bảo không sao, từ từ học chưa muộn.
Mấy năm liền mà Loan vẫn chưa học được cách nấu, anh không chê trách một lời, mẹ và các chị gái bóng gió chê mâm cơm nhạt nhẽo, anh chỉ cười bảo, ăn thế cho healthy, đỡ dầu mỡ ngán lắm. Mỗi lần nhà có cỗ bàn, anh sẽ chủ động đặt sẵn đồ ăn chín, vợ chỉ việc bày biện dọn lên mâm.
Người ngoài nhìn vào có thể chê trách Loan là đàn bà vụng về, có mỗi việc nấu cơm mà cũng không xong, gièm pha cô lười biếng không chịu học hỏi, nhưng Loan thực ra lại là kiểu phụ nữ rất độc lập. Với cô, chuyện thay đổi bản thân, cá tính, nắn mình để "trói" chồng là thứ rất vô lý. Trước khi lấy chồng, Loan sống sao thì lấy chồng rồi cô sống y hệt vậy. Phụ nữ có phải là cái máy nấu ăn, dọn dẹp đâu, và đi lấy chồng cũng không phải là đi làm công mà phải nấu ăn theo ý chủ.
Thỉnh thoảng muốn cải thiện bữa ăn, cô mua cho chồng đồ ăn chín làm sẵn, mà thú vị là anh cũng chẳng tha thiết gì. Vì Loan luôn nhấn mạnh, dù mâm cơm cô nấu nhìn qua có vẻ nhạt nhẽo, nhưng nó chứa đựng tình yêu, sự chăm chút cô dành cho anh. Dù chỉ làm các món luộc, hấp, nhưng Loan lại sáng tạo đủ loại nước xốt, nước chấm để thay đổi hương vị. Cô vừa nấu vừa hát, vừa trỏ chuyện tâm sự với chồng chuyện to chuyện nhỏ trong ngày.
Cứ thế, chồng Loan từ chỗ hơi ngán thành quen dần, rồi háo hức chờ đợi những bữa cơm toàn món luộc của vợ. Anh học được cách sống hòa hợp với sở trường, sở đoản của vợ, và dung hòa khẩu vị của mình với cô. Anh bảo vệ cô trước mọi mũi dùi tấn công của gia đình, họ hàng, thậm chí còn hãnh diện về cô vợ thông thái ăn uống khoa học.
Vậy đó, điều khiến người phụ nữ có thể an tâm, hạnh phúc chính là tình yêu thương mà người đàn ông ấy dành cho mình, không cần hoa mỹ, mà bằng hành động cụ thể. Loan, dẫu vụng về vẫn được chồng yêu chiều, vẫn được sống đúng với con người mình, bởi cô đã tìm ra những con đường khác đi vào trái tim của anh, mà không cần qua dạ dày.
Cô vợ vụng và anh chồng im lặng chịu trận: Không đối thoại, không thể hiểu nhau
Hằng là người theo trường phái nấu ăn siêu đơn giản, ít gia vị. Quanh năm suốt tháng, cô diễn đi diễn lại mấy món luộc và canh. Nguyên liệu nào có thể cho vào luộc, cô đem đi luộc hết thảy. Chồng Hằng, ban đầu cũng thấy hơi lạ, góp ý cho vợ cách nấu nướng, còn đầu tư cho cô hẳn một khóa dạy nấu ăn hàng chục triệu để vợ cải thiện tay nghề.
Hằng học bập bõm buổi đực buổi cái, vì còn mải chuyện cơ quan. Về đến nhà cũng không thu xếp được thời gian mua sắm, sơ chế nguyên liệu, dọn rửa bãi chiến trường bếp núc mãi cũng oải. Thành thử, được vài hôm nấu mấy món rồi up ảnh làm hàng, Hằng lại trở về guồng quay cũ: Mâm cơm có 1 món luộc, 1 món rau. Chồng phàn nàn, cô sẽ nhẹ nhàng bảo: "Không ưng thì mai vào mà nấu nhé" hoặc cắt luôn phần anh.
Càng lúc, chồng Hằng càng ít ăn cơm nhà. Anh sẽ đi nhậu, đi ăn hàng quán bên ngoài. Cô tức mình bóng gió "Chán cơm thèm phở à", anh cũng chỉ cười không nói gì.
Rồi suốt 1 tuần sau đó, chồng Hằng không đi ra ngoài ăn nữa, nhưng tự dưng tủ lạnh nhà Hằng xuất hiện những hộp thức ăn lạ, nào cá kho, thịt chưng mắm tép, ruốc cá, tôm rim... Đến bữa, anh mang ra mời vợ, Hằng vừa bực vừa ngứa mắt, nhất định không động đũa. Hỏi mua ở đâu hay ai nấu thì chồng cứ im im, chỉ vừa ăn vừa xuýt xoa thích thú. Mà hộp đựng rõ ràng là tay Hằng mua, bếp nhà cũng có dấu hiệu xáo trộn, Hằng nghi ngờ chồng có bồ, thậm chí còn đưa bồ về nhà nấu nướng không chừng.
Hôm ấy, cô nghỉ làm sớm, cải trang rình chồng, định bắt gian. Thấy có đôi dép đàn bà trước cửa, nhà lại sực mùi thức ăn, Hằng vội vàng xông vào xem mặt "tình địch" to gan. Hóa ra, người đang nấu nướng trong nhà là... mẹ chồng cô. Bà thủng thẳng bảo: "Nó ngại không muốn nói sợ con buồn, nhưng nó chán món luộc quá rồi. Con xem thế nào nhé, vụng cũng vừa vừa thôi, hôm nay là mẹ, nhưng hôm khác có thể là người khác đứng đây nấu nướng, chăm sóc chồng hộ con".
Chuyện bữa ăn, hóa ra đã trở thành mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình Hằng từ lâu, mà cô chẳng nhận ra. Chồng cô, vì giữ ý, sợ vợ buồn mà không dám nói thẳng rằng, mình không thể ăn mãi mâm cơm đơn điệu như thế nữa. Anh cũng không gợi ý giúp đỡ cô nấu ăn, dọn dẹp, phần vì đã chu cấp cho Hằng học phí lớp nữ công gia chánh, phần sợ cô tự ái. Anh không dám bảo Hằng sang nhà nội để học mẹ anh - một người phụ nữ có khẩu vị tinh tế, vì bà từng chê Hằng cục mịch, có cái lưỡi "kém sang".
Còn Hằng, cô không nói với chồng chuyện mình quá đau đầu khi phải nghĩ thực đơn, không thổ lộ rằng nấu ăn với mình là một việc căng thẳng, bởi lo anh sẽ coi thường mình. Hằng không chia sẻ với anh rằng cô có một thời sinh viên phải xoay xở chi tiêu với số tiền ít ỏi, nên luộc là món quen thuộc và tiết kiệm nhất mà cô luôn nấu.
Chỉ vì không nói với nhau, không hiểu nhau, mà mâm cơm toàn món luộc của Hằng đã khiến vợ chồng cô suýt tan vỡ. Đối thoại để hiểu nhau, để cùng gỡ vấn đề, hóa ra quan trọng hơn cả việc người ta nhận thấy vấn đề của mình trong hôn nhân. Nếu như hồi hẹn hò, người ta phải đối thoại để tìm hiểu nhau, yêu thương nhau, thì khi kết hôn, đối thoại còn quan trọng gấp bội.
Chịu ngồi với nhau nói về khúc mắc khi chung sống, đó là khi ta gỡ được 50% khúc mắc đó. Còn cứ im ỉm, nén lại những mâu thuẫn, giấu giếm suy nghĩ thật về nhau, nó chẳng khác gì lò xo bị nén quá độ, động nhẹ là có thể thổi tung tất cả, như Hằng và chồng cô.