CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:23

Mái nhà chung ấm áp tình người

 

Được thành lập năm 1977, với tên gọi ban đầu là Nhà nuôi dưỡng bố mẹ liệt sĩ Hà Nội, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, những năm qua, Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Hà Nội không ngừng được đầu tư, nâng cấp, trang bị nhiều máy móc hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người có công.

Ông Lê Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Hiện trung tâm có 280 giường bệnh đạt tiêu chuẩn, cùng với đội ngũ y, bác sĩ 21 người. Hàng năm Trung tâm luôn tiếp nhận hàng nghìn lượt người có công đến từ các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong năm 2015, Trung tâm đã tiếp nhận 2.840 lượt người, còn đến 27/7 năm nay là 2.690 lượt.

Người có công được chăm sóc, khám chữa bệnh tại trung tâm.

Trung tâm đã xây dựng chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, phù hợp với độ tuổi, thực đơn trong mỗi bữa ăn được xây dựng đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với những người phải ăn kiêng, đều được đơn vị bố trí, lựa chọn những thực phẩm thay thế phù hợp để đảm bảo sức khỏe. Phòng nghỉ cho các đối tượng người có công được đội ngũ nhân viên của Trung tâm vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận trên 20 đợt, mỗi đợt điều dưỡng 7 ngày, trừ 1 ngày đưa đón. Các thương, bệnh binh, người có công sẽ được chăm sóc, phục vụ trọn vẹn 6 ngày tại Trung tâm, với lịch trình được Trung tâm xây dựng bài bản, hợp lý, tạo cảm giác yên tâm, thoải mái.

Người có công được chăm sóc, điều dưỡng tại Trung tâm thường là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị tù đày..., phần lớn là người cao tuổi, sức khỏe yếu, nên công tác chăm sóc y tế và phục hồi sức khỏe cho các cụ là nhiệm vụ được lãnh đạo Trung tâm quan tâm hàng đầu.

Mỗi đợt điều dưỡng, các đối tượng được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án và điều trị. Hàng ngày các đối tượng được nhân viên y tế cấp phát thuốc bổ, thuốc chữa bệnh tại phòng nghỉ và hướng dẫn các bài tập để nâng cao sức khỏe, đồng thời tham gia vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt. Công tác trực y tế luôn được đơn vị duy trì thực hiện 24/24 giờ. Nhằm động viên tinh thần cho NCC và các thương, bệnh binh, trong các đợt điều dưỡng Trung tâm đều tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú, tổ chức biểu diễn giao lưu văn nghệ... tạo không khí vui vẻ, thân mật giữa những người đến điều dưỡng và CBNV tại trung tâm.

Người có công vui chơi thể thao tại trung tâm.

Chính vì vậy, sau mỗi đợt điều dưỡng tại Trung tâm, sức khỏe, thể trạng, tinh thần của các đối tượng người có công được nâng lên rõ rệt, từ đó giúp họ tiếp tục sống vui, sống khỏe, bù đắp phần nào những nỗi đau, sự mất mát do chiến tranh để lại mà họ đang phải gánh chịu; đồng thời tạo cho họ những ấn tượng tốt đẹp về Trung tâm và coi đây là ngôi nhà chung của những người có công.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, người có thâm niên gắn bó với Trung tâm gần 20 năm chia sẻ, để có đội ngũ CBNV lành nghề, tận tâm, Trung tâm thường xuyên làm tốt việc giáo dục đạo đức, tinh thần trách nhiệm cho họ. Bởi người có công với cách mạng về điều dưỡng tại Trung tâm ở nhiều độ tuổi khác nhau, phần lớn sức khỏe đều giảm sút, kèm theo bệnh mãn tính, việc tự phục vụ cho bản thân hết sức khó khăn, do đó muốn phục vụ, chăm sóc nuôi dưỡng NCC tốt, thì mỗi người đều phải hiểu đây là trách nhiệm, là sự tri ân đối với những người đã một thời cống hiến cho cách mạng. 

CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh