Mái ấm mới từ chính sách nhà ở
- Tây Y
- 22:25 - 25/03/2017
Nhớ lại cách đây vài năm, bà Nguyễn Thị Tám, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Nam (huyện Vĩnh Tường) không khỏi rùng mình. Bà bảo, số hẩm hiu, chồng hy sinh, 2 con đầu cũng bỏ bà lại trần thế, còn người con thứ 3 thì cũng bệnh thật liên miên. Căn nhà được hỗ trợ xây từ ba chục năm trước, qua mấy chục năm cũng đã bị nứt toác, dột nát, ẩm ướt nhưng vẫn phải ở. Cho đến năm 2014, UBND tỉnh lại tiếp tục hỗ trợ, cùng với sự chung tay góp sức của anh em họ hàng, bà con lối xóm, bà đã thuê sửa chữa, thay ngói, thay cột trụ, lát lại sàn nhà. Giờ nhìn vào căn nhà đã phần nào được kiên cố, khang trang, bà Tám phấn khởi: “Nhà xuống cấp quá rồi, nhưng làm gì có tiền mà thay, nay cũng may được hỗ trợ mới dám sửa chữa, giờ thì yên tâm gối cao đầu ngủ rồi”.
Hay như trường hợp ngôi nhà lụp sụp của cựu chiến binh Cao Văn Bóc (huyện Tam Dương), người Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Đặt tay vào bức tường mới, ông rơm rớm nước mắt: Mấy chục năm nay tôi phải sống trong cái nhà lụp sụp nắng đến đầu, mưa đến thân rồi. Nay có tiền hỗ trợ, tôi mới được ở trong căn nhà mà mùa đông không phải che bạt tránh gió lùa, mùa mưa không phải mang xô mang chậu ra hứng mưa dột, tuy chưa có điều kiện hoàn thiện nhưng đối với tôi vậy là đã hạnh phúc lắm rồi.
Thương binh hạng 4/4 Lưu Văn Tuất ở Vĩnh Tường bên căn nhà mới. Ảnh Nguyễn Hường
Đấy là tâm sự cũng là chia sẻ của hàng trăm hộ dân thuộc gia đình chính sách đã được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở. Việc quan tâm hỗ trợ này là việc làm nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chia sẻ về công tác này, bà Ngô Thục Phương, Trưởng phòng NCC, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Trước khi có Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công về nhà ở, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động thực hiện công tác chăm lo xây dựng, sửa chữa nhà cho NCC. Khi có Quyết định 22, UBND tỉnh lại tiếp tục rà soát, mở rộng các đối tượng được thụ hưởng. Trước tính cấp bách về nhà ở, tỉnh không thể ngồi chờ vào ngân sách Trung ương nên đã chủ động ứng trước để các hộ xây nhà”.
Với số tiền khoảng từ 40-50 triệu đồng/hộ, năm 2013, UBND tỉnh hỗ trợ được 461 hộ xây mới, 411 hộ sửa chữa với tổng kinh phí hơn 26.660 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 8,784 tỷ đồng, ngân sách tỉnh tạm ứng trước là 17,876 tỷ đồng. Năm 2015 - 2016, tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà cho 1485 hộ với kinh phí là gần 41 tỉ đồng (xây mới 558 hộ với kinh phí là hơn 22 tỷ đồng, sửa chữa 927 hộ với kinh phí gần 19 tỉ đồng). Tổng số nhà đề nghị hỗ trợ xây mới và sửa chữa năm 2017 là 617 nhà với kinh phí hơn 16 tỷ đồng.
Việc thống kê rà soát đối tượng NCC có khó khăn về nhà ở trên địa bàn Vĩnh Phúc được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, hộ chính sách được hỗ trợ đúng đối tượng, mức hỗ trợ. Theo đó, cấp thôn tiến hành họp, rà soát, bình xét. Cấp xã tổ chức rà soát, lập danh sách, niêm yết công khai và mức hỗ trợ, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện, tổ chức lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở, lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ. Đồng thời chỉ đạo giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ về nhà ở đúng mục đích, bảo đảm chất lượng nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa theo quy định.
Cũng theo bà Phương, việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho NCC đã được các cấp, ngành liên quan xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và luôn quan tâm chỉ đạo cũng như kịp thời có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả. UBND các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn đã có nhiều cố gắng triển khai nhanh chóng, kịp thời, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Đồng thời các hộ gia đình được hỗ trợ, ngoài kinh phí Nhà nước cấp cũng đã tự bỏ thêm kinh phí hoặc huy động thêm nguồn hỗ trợ bằng tiền mặt, vật liệu, nhân công… từ người thân, họ hàng, cộng đồng để nâng cao chất lượng nhà ở.