THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:14

Lý giải “cơn sốt Đinh La Thăng”

Phong cách Đinh La Thăng

Thực ra không phải đến bây giờ mà từ năm năm qua, ở cương vị Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), ông Đinh La Thăng đã trở thành “một hiện tượng” bởi phong cách không trộn lẫn trong một nền chính trị với nề nếp còn tương đối khép kín và bảo thủ.

Phong cách ấy tạo nên từ những phát ngôn quyết liệt, thậm chí gây sốc. Ngay khi nhậm chức Bộ trưởng GTVT, ông lên tiếng trước Quốc hội “Là tư lệnh, xin cho tôi toàn quyền quyết định”. Dư luận ấn tượng khi ông cảnh báo Giám đốc Ban quản lý dự án “Ghế của ông lung lay rồi đấy! Chỉ có hiệu quả công việc cao thì mới giữ được ông ở vị trí tổng giám đốc".

Tuy nhiên, phát ngôn táo bạo không đủ tạo nên một hiện tượng. Ông Thăng ghi dấu ấn chủ yếu từ phong cách làm việc năng động, quyết liệt, năng đi kiểm tra tại hiện trường, giải quyết ngay những vướng mắc và nhiều khi không ngại ngần “trảm tướng” giữa trận tiền. Ông không chỉ “trảm” chủ đầu tư chậm tiến độ, mà còn thẳng tay với cả các nhà thầu làm ăn gian dối. Ngay trước khi rời ghế Bộ trưởng GTVT để Nam tiến nhận trọng trách mới, ông tiếp tục gây xôn xao dư luận bằng đề nghị cách chức Giám đốc đường sắt Hà Nội vì đã đề xuất mua toa tàu cũ của Trung Quốc.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận xét, trong bối cảnh phần đa các quan chức ngại phát biểu, ngại công khai chính kiến trước đám đông và lại càng hiếm khi kỷ luật, cách chức cán bộ làm ăn không hiệu quả thì rõ ràng phong cách làm việc quyết liệt và bản lĩnh cá nhân mạnh mẽ như Đinh La Thăng đã truyền được cảm hứng cho đông đảo công chúng.

Dĩ nhiên, một cá nhân Đinh La Thăng sẽ không thể đủ sức xoay chuyển tình thế. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự phối thuộc hỗ trợ của cả hệ thống. Ảnh: VietNamNet

Dù vẫn còn những dư luận trái chiều thì không thể phủ nhận, sau 5 năm dưới thời của ông, bộ mặt ngành giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Hàng loạt những dự án hạ tầng quan trọng được hoàn thành trước thời hạn như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cầu Nhật Tân, nhà ga T2 sân bay Nội Bài…, đáp ứng phần nào nhu cầu của nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tăng trưởng.

Từ tư lệnh thành chính uỷ

Từ 5/2/2016, ông Thăng được Bộ Chính trị phân công nhận nhiệm vụ mới – Bí thư Thành uỷ TP.HCM. Một bước chuyển bất ngờ cho ông: từ người quản lý, điều hành trở thành người lãnh đạo, hay nói cách khác từ tư lệnh sang chính uỷ.

Chuyên gia Diệp Văn Sơn mới đây đã phân tích, đây là hai vị trí hành xử với chức trách khác nhau. Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là hoạch định phương hướng, kế hoạch để các thành viên trong tổ chức đi theo tầm nhìn đó. Lãnh đạo truyền cảm hứng và phát triển những người khác, thách thức hiện trạng và có tầm nhìn xa. Trong khi đó, nhà quản lý điều hành thì quản lý công việc, kiểm soát điều khiển các nguồn lực gắn liền với những hoạt động cụ thể để thực hiện kế hoạch.

Hai vị trí này tuy khác biệt nhưng đều là người đứng đầu một tổ chức nên dễ gây nhầm lẫn, ngay cả đối với người trong cuộc.

Thực tế đã có những nghi ngại, thậm chí xì xào rằng ông Thăng vì đã quá quen với công việc quản lý điều hành nên có thể đá lộn sân, lấn sân các nhà quản lý, nhất là sau hàng loạt cuộc vi hành xuống cơ sở vừa qua.

Công bằng nhìn nhận, nửa tháng nhận nhiệm vụ lãnh đạo TP.HCM, ông Thăng đã kịp để lại những dấu ấn mang phong cách Đinh La Thăng.

Ngay ngày đầu tiên sau kì nghỉ Tết, ông chỉ đạo các đơn vị “chấm dứt các hoạt động chúc tụng đầu năm, tập trung ngay vào công việc không được để người dân, doanh nghiệp chờ đợi” hay “Dân vận là phải làm được cho dân cái họ cần. Anh nói dở mà làm được nhiều việc cho dân thì người ta cũng theo. Bớt nghị quyết hội họp đi, hành động ngay cái dân cần”.

Xuống Củ Chi nghe dân nuôi bò không bán được sữa, ông liền kiểm tra xem lãnh đạo huyện có biết nguyên nhân hay không.

Làm việc với Ban Giám đốc Công an TP chiều 17/2, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu phải nhanh hơn nữa trong xử lý ùn tắc, tháo gỡ dần các điểm nóng về giao thông, lắp camera toàn thành phố... Ông nói luôn “làm được cho dân thì làm ngay đừng chờ đợi chỉ đạo”.

Khi nhận tin nhắn của người dân phản ảnh hai tuyến đường Nguyễn Thái Bình và Lê Thị Hồng Gấm mất trật tự giao thông bởi các doanh nghiệp vận tải đón rước hành khách trên đường phố, ông chuyển tin nhắn từ điện thoại của mình cho Giám đốc Sở GT-VT. Sở cho khảo sát liền, ngày 17/2 Sở này đã gắn biển giao thông cấm dừng đậu xe chở khách từ 9 chỗ ngồi trở lên thay biển báo cấm đậu xe ngày chẵn lẻ...

Như vậy, vẫn phong cách sâu sát, quyết liệt vốn có, nhưng ông Thăng chỉ dừng lại ở "ngưỡng" lằn ranh chỉ đạo. 

Sự hào hứng của người dân

Dễ hiểu vì sao người dân TP.HCM lại hào hứng chào đón ông Đinh La Thăng đến vậy. Rõ ràng, phong cách quyết liệt, sâu sát mang thương hiệu Đinh La Thăng đã thổi một luồng gió mới vào thành phố mang tên Bác.

Như đại biểu Dương Trung Quốc đã thẳng thắn nói: “Tôi rất thích những con người có cá tính. Tôi nghĩ rằng thay vì thái độ 'hãy đợi đấy', 'chờ xem sao', chúng ta hãy ủng hộ những nhân tố mới thúc đẩy sự thay đổi”.

Cộng hưởng với sự ra mắt của một lớp lãnh đạo trẻ nhiệt huyết được tôi luyện và đào tạo tại thành phố, sự xuất hiện của ông Đinh La Thăng đang dấy lên hi vọng về một dàn lãnh đạo mới đủ năng lực, tầm nhìn và quyết tâm hành động để đưa TP.HCM phát triển đột phá, xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bởi một TP.HCM đã từng dẫn dắt quá trình phát triển của cả nước, từng là nơi thử nghiệm những mô hình mới, như dưới thời của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nơi tập hợp nguồn lực, trí tuệ và sự sáng tạo của cả nước, nay dù vẫn dẫn đầu về tăng trưởng nhưng có những lúc đã mờ nhoà về năng lực đổi mới và tụt hậu so với những thành phố trong khu vực. Hơn lúc nào hết, người dân đang mong mỏi TP.HCM thực sự vượt lên với vị trí “hòn ngọc Viễn Đông”, nguồn cảm hứng phát triển của cả nước.

Dĩ nhiên, một cá nhân Đinh La Thăng sẽ không thể đủ sức xoay chuyển tình thế. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự phối thuộc hỗ trợ của cả hệ thống.

Nói như TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore), “cần thời gian để đánh giá đầy đủ hơn ba yếu tố then chốt có tác động gia cường lẫn nhau”.

Về lòng nhiệt tâm hành động, ông Thăng đã chứng mình được mình có thừa.

Về tầm nhìn và tư duy chiến lược, Bí thư TP.HCM cần “tham khảo chuyên gia về xây dựng thiết chế quản lý và chính sách mà mọi cán bộ và người dân đều cảm thấy phấn chấn tham gia, thấy sự nghiệp phát triển thành phố không chỉ đem lại lợi ích cho chính bản thân gia đình mình mà còn là một sứ mệnh cao quí với đất nước trong giai đoạn đầy thử thách hiện nay”.

Yếu tố thứ ba ông Khương không quên nhắc đến, đó là sự hỗ trợ đặc biệt của trung ương. "TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cần được coi là điểm tựa chiến lược cho nền kinh tế cả nước cất cánh”. Mà muốn vậy, hai thành phố này cần được trao cho những cơ chế đặc biệt và lãnh đạo thành phố cũng cần có không gian ra quyết sách và hành động tự chủ hơn, thông thoáng hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh