Luxembourg là nhà đầu tư lớn thứ ba của EU tại Việt Nam
- Tây Y
- 07:58 - 11/12/2022
Chiều 9/12 (theo giờ địa phương), trong chương trình chuyến thăm chính thức Luxembourg, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Luxembourg.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của hai nước phát triển sâu rộng
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi Luxembourg đã lựa chọn rất đúng hướng đi để "đi trước đón đầu", phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, kết hợp được sức mạnh của thời đại với sức mạnh của dân tộc, như từ một nước nông nghiệp tiến thẳng lên phát triển lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng và hiện nay đang đi đúng xu thế của thời đại là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu…
Luxembourg có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực này nói riêng và quá trình phát triển đất nước nói chung.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) khi đi vào triển khai, hứa hẹn sẽ tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp hai nước để trao đổi thương mại và đầu tư.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của các đại biểu, Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, thách thức để tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của hai nước phát triển sâu rộng, tăng cường tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho hai bên.
Đánh giá quan hệ Việt Nam -Luxembourg rất năng động, hiệu quả, quan hệ chính trị-ngoại giao rất tốt đẹp, đang hướng đến tầm cao mới, dựa trên sự chia sẻ lợi ích toàn diện, thành quả hợp tác, tình hữu nghị được vun đắp sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ dành thời gian phân tích về 3 nội dung: Các yếu tố nền tảng phát triển của Việt Nam; quan hệ Việt Nam - Luxembourg; những việc cần làm trong thời gian tới để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa, nhất là về thương mại và đầu tư.
Trong 50 năm qua, Việt Nam từ một nước trải qua nhiều năm chiến tranh và cấm vận, đã tiến hành mở cửa, đổi mới và hội nhập, đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong khi đó, Luxembourg từ một nước nông nghiệp trở thành một nước phát triển, nhất là về tài chính, ngân hàng.
"Quá trình 50 năm đó cũng vun đắp cho tình hữu nghị 2 nước, chúng ta thông cảm, chia sẻ với nhau hơn và cũng có trách nhiệm với nhau hơn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước", Thủ tướng phát biểu.
Việt Nam và Luxembourg mặc dù xa cách về mặt địa lý, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng, như có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều là cửa ngõ của hai khu vực EU và ASEAN. Các điểm tương đồng chiến lược nêu trên là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Luxembourg hiện có 58 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 2,6 tỷ USD, đứng thứ 17/141 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ ba của EU tại Việt Nam. Thương mại giữa hai nước đang tăng nhanh.
Phát huy tối đa năng lực của tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang xây dựng và phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột: Nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) (đầu tư, kinh doanh theo quy luật thị trường, theo quy luật cung-cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết); xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN (mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình một cách tốt nhất); nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng). Trong quá trình đó, Việt Nam cần sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế trong huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển các thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu, tín dụng... Việt Nam thúc đẩy hợp tác công - tư theo hướng lấy nguồn lực Nhà nước kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, đồng thời nhà đầu tư có thể thu hồi vốn, có lãi.
Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực bằng các biện pháp hợp tác công tư trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân;
Thu hút công nghệ cao, công nghệ trong những ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức; Kinh nghiệm quản trị tiên tiến phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam nhưng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.