THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:42

Lưu ý giúp người bệnh đái tháo đường quản lý đường huyết hiệu quả

Vai trò của thiết bị theo dõi đường huyết liên tục

Theo BSCKI. Mã Tùng Phát – Khoa Nội tiết BV ĐHYD TPHCM, đối với người bệnh đái tháo đường, việc tuân theo phác đồ điều trị, chế độ ăn uống hợp lý đồng thời theo dõi đường huyết chính là yếu tố then chốt giúp người bệnh chủ động hơn trong kiểm soát tình trạng bệnh. Đây là cơ sở để bác sĩ điều chỉnh các thuốc điều trị cũng như các thói quen sinh hoạt ăn uống, tập luyện nhằm giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Phần lớn người bệnh đái tháo đường sẽ theo dõi đường huyết tại nhà bằng các máy thử đường huyết mao mạch. Để thử đường huyết, người bệnh sẽ dùng kim để trích máu từ đầu ngón tay nên thường gây đau, sợ hãi và đôi khi là e ngại khi phải thử đường huyết trước mặt người khác. Trong những năm gần đây, thiết bị theo dõi đường huyết liên tục đã được sử dụng rộng rãi, giúp tự động đo đường huyết liên tục mỗi vài phút, trong suốt 24 giờ và trong nhiều ngày (thường là từ 7-14 ngày).

Tại BV ĐHYD TPHCM, các Bác sĩ khoa Nội tiết đã thí điểm sử dụng phương pháp theo dõi đường huyết liên tục từ năm 2020. Trong khoảng nửa năm trở lại đây, số người bệnh được sử dụng tăng lên khá nhiều, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm nguy cơ hạ đường huyết cho người bệnh. Chi phí sử dụng thiết bị này tuy không thấp, nhưng nếu so với chi phí phải nhập viện để điều trị tình trạng tăng hay hạ đường huyết thì sẽ thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, điều này còn đảm bảo sự an toàn cho người bệnh, cải thiện niềm tin và sức khỏe tinh thần cho người bệnh.

Ưu, nhược điểm của thiết bị theo dõi đường huyết liên tục

BSCKI. Mã Tùng Phát cho biết, thiết bị theo dõi đường huyết liên tục thường gồm một cảm biến gắn ở da (thường ở vùng bụng hoặc mặt dưới cánh tay) và một thiết bị đọc kết quả đường huyết để đo đường huyết liên tục 24/24. Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng điện thoại thông minh để đọc kết quả từ các cảm biến. Với thiết bị này, người bệnh và người nhà người bệnh có thể xem đường huyết mỗi vài phút, bất kể khi nào, người bệnh không cảm giác đau khi phải trích máu từ ngón tay, có thể xem đường huyết bất kể nơi đâu với thao tác đơn giản (chỉ cần quan sát màn hình điện thoại) mà không cần phải đem theo kim, gòn, cồn và phải nghĩ cách xử lý các vật dụng này khi thử đường.

 

Ngoài ra, các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục cho thấy diễn tiến đường huyết chi tiết, phản ánh những thay đổi đường huyết sau ăn khá rõ, từ đó giúp Bác sĩ có thêm cơ sở tư vấn cho người bệnh, nhất là chế độ ăn. Một số người bệnh chủ động hơn, khi thấy được những thay đổi đường huyết sau ăn với từng loại món ăn, thức uống họ dùng, họ có thể tự rút kinh nghiệm rồi điều chỉnh để tự quản lý đường huyết mình tốt hơn mà chưa phải đợi đến lịch khám.

Cải tiến của thiết bị này so với phương pháp đo đường huyết mao mạch chính là thay vì đo đường huyết trực tiếp từ máu, thì người bệnh đo đường huyết gián tiếp trong dịch mô kẽ. Đây là một ưu điểm vì ít xâm lấn hơn, dữ liệu đường huyết liên tục, đầy đủ hơn để có thông tin trong quản lý, điều trị. Một điểm mạnh của các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục chính là khả năng lưu trữ và chuyển tiếp các dữ liệu. Với kết nối internet, các dữ liệu này được đồng bộ hóa đến một điện thoại hay máy tính khác ở rất xa. Chính vì vậy, Bác sĩ hoặc người nhà người bệnh có thể truy cập trực tiếp dữ liệu đường huyết của người bệnh để đưa ra các hỗ trợ và tư vấn cần thiết, kịp thời.

Khuyết điểm của phương pháp này là giá thành hiện tại khá cao, chưa phù hợp khả năng chi trả cho phần lớn người bệnh. Mặt khác, để sử dụng các thiết bị này hiệu quả, người bệnh cần phải có những hiểu biết cơ bản về công nghệ, cần được hướng dẫn, tư vấn kĩ càng để có khả năng xử lý những thông tin và dữ liệu từ kết quả đường huyết.

Lưu ý giúp người bệnh đái tháo đường quản lý đường huyết hiệu quả

Các biến chứng của đái tháo đường như mắt, thận, não, tim… có thể xuất hiện ngay khi vừa mắc đái tháo đường. Việc theo dõi và kiểm soát đường huyết là chìa khóa để ngăn ngừa sự xuất hiện mới cũng như làm chậm diễn tiến của các biến chứng đái này. Quản lý và điều trị của đái tháo đường không chỉ đơn thuần là kiểm soát đường huyết mà con kết hợp với việc tầm soát và điều trị các biến chứng liên quan đái tháo đường.

BSCKI. Mã Tùng Phát khám cho người bệnh

BSCKI. Mã Tùng Phát khám cho người bệnh

BSCKI. Mã Tùng Phát lưu ý, các thiết bị theo dõi đường huyết là một phương tiện, không phải một phương thức điều trị. Dù sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết nào, hiệu quả chỉ thực sự đạt được khi kết hợp với chế độ điều trị hợp lý, bao gồm thay đổi chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực và dùng thuốc. Do đó, người bệnh không nên quá lệ thuộc vào những công nghệ này mà bỏ quên các bước theo dõi, tái khám, điều trị cơ bản như bác sĩ hướng dẫn.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh