"Luôn cho con thấy cuộc sống chật vật, khó khăn để cố gắng hơn" là 1 quan niệm sai lầm
- Bác sĩ
- 02:35 - 26/05/2020
Một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về tâm lý cha mẹ và trẻ em đã chỉ ra những cách nuôi dạy con sai lầm, gây hại đến cách tư duy, phát triển của trẻ, gây ra những vấn đề nghề nghiệp trong tương lai:
1. Áp đặt nghề nghiệp tương lai cho con vì quan điểm "việc nhẹ lương cao"
Ảnh minh họa.
Ý tưởng về việc mỗi người có một nghề nghiệp để gắn bó suốt cuộc đời đã không còn đúng nữa. Rất nhiều ngành nghề đang thịnh hành hiện nay thậm chí chưa từng xuất hiện vào thời điểm 10 năm trước. Trong khi đó, rất nhiều ngành nghề phổ biến trong quá khứ thì đã biến mất.
Từ nhỏ, Max đã chú ý đến máy tính và cách các chương trình máy tính hoạt động. Tuy nhiên, cha mẹ Max lại cho rằng sở thích đó là có hại. Vô tình, Max bắt gặp một khóa học trực tuyến về lập trình máy tính và say mê tìm hiểu. Giờ đây, anh đã trở thành một lập trình viên tiềm năng trong lĩnh vực này nhờ tự mày mò, học hỏi.
Laura 37 tuổi từng là một nhà nghiên cứu xã hội học ở một công ty tư vấn lớn. Nhưng sau khi sinh con, cô không có nhiều thời gian theo đuổi công việc như trước đây nữa. Laura từng yêu thích nhiếp ảnh và thời gian nghỉ thai sản đã cho cô cơ hội tìm hiểu sâu và bắt đầu chụp ảnh cho con trai và những đứa trẻ của bạn bè, người quen... Sau vài năm, Laura đã mở studio ảnh của riêng mình và có nguồn thu nhập tốt từ niềm đam mê đó.
Cha mẹ có thể hỏi sở thích nghề nghiệp của con để định hướng nhưng đừng áp đặt con theo ý muốn của mình chỉ vì đó là một nghề nghiệp "nhàn hạ, lương cao, dễ hái ra tiền". Nếu không có đam mê, yêu thích, thì dù làm công việc gì còn bạn cũng cảm thấy vô nghĩa. Phụ huynh hãy chỉ đóng vai trò định hướng và để trẻ tự ra quyết định lựa chọn cho tương lai của mình.
2. Luôn yêu cầu sự hoàn hảo ở trẻ
Nhiều phụ huynh đặt ra yêu cầu khá cao với con cái, muốn trẻ phải tự hoàn thiện bản thân. Cùng với sự lớn lên của trẻ, những yêu cầu của cha mẹ ngày càng nhiều hơn: Tranh của con vẽ luôn không đủ tốt, phòng ngủ không đủ gọn gàng, thành tích chưa đủ cao... Đứa trẻ liên tục bị chỉ trích và la mắng nhưng không có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình.
Mẹ luôn nói với Mary rằng: "Con thật bừa bộn. Hãy nhìn Anna, bạn ấy luôn sạch sẽ!". Điều đó đã khiến cho mọi nỗ lực của Mary đều vì mục đích giống Anna hơn. Nhưng mẹ của cô bé vẫn không ngừng so sánh, chỉ trích, không cho cô bé cơ hội điều chỉnh hành vi và học cách xử lý những công việc đơn giản 1 cách độc lập.
Hiện tại Anna đã 25 tuổi, cô vẫn luôn so sánh bản thân với người khác, và cảm thấy mình kém cỏi hơn. Những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh như Anna sẽ trở thành một người bị ám ảnh về sự hoàn hảo, luôn thiếu tự tin vào chính mình... Và điều đó thì không hề tốt cho cả sự nghiệp lẫn cuộc sống trong tương lai của trẻ.
3. Dạy con tiết kiệm từng đồng
Thế giới đang thay đổi từng ngày. Những cách để kiếm tiền, tiết kiệm tiền trong quá khứ dường như đã không còn hiệu quả trong thời hiện tại. Không ai có thể biết chắc những kỹ năng nào cần thiết để có thể tồn tại trong điều kiện kinh tế mới của tương lai. Đó là lí do, việc dạy dỗ trẻ cách linh hoạt, điều chỉnh để thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh mới rất quan trọng, thay vì khiến trẻ bị ám ảnh với cuộc sống luôn phải tiết kiệm từng đồng.
Ông nội của Jessica đã sống tiết kiệm cả đời, để dành tiền cho những trường hợp "ngộ nhỡ". Nhưng cuối cùng, tất cả số tiền ông tiết kiệm, các khoản đầu tư đã mất hết giá trị khi khủng hoảng kinh tế diễn ra. Jessica đã chứng kiến và thấm thía những kinh nghiệm của ông cô. Vì vậy, cô quyết định rằng, khoản đầu tư chắc chắn nhất là đầu tư cho chính bản thân, học hỏi không ngừng để có đủ năng lực ứng biến với mọi biến cố xảy ra.
4. Không cho phép con thể hiện cảm xúc thật sự
Đôi khi người lớn cố thuyết phục trẻ rằng việc chúng khóc lóc, hờn dỗi là sai. Ngay cả khi chúng có những vết bầm tím vì ngã và có lí do chính đáng để cảm thấy buồn bã. Các bậc cha mẹ đang cố gắng khiến trẻ cố giấu cảm xúc thực của mình và thể hiện những cảm xúc mà người khác dễ chấp nhận hơn. Mặc dù xuất phát từ ý tốt và muốn con cái mạnh mẽ hơn, nhưng chúng ta nên hiểu rằng, một trong những khả năng quan trọng của con người là nhận biết và quản lý cảm xúc, nhu cầu cá nhân.
Kate đã 37 tuổi, nhưng cô không bao giờ quên được cách mẹ buộc cô chia sẻ con búp bê yêu thích của mình cho một đứa trẻ khác. Mẹ đã nói: "Con không nên tham lam, ích kỷ và giữ khư khư đồ chơi cho riêng mình". Kate không bao giờ lấy lại được con búp bê của mình.
Và sau này, cô cũng không thể nào từ chối những yêu sách từ người khác, dù đó là những điều vô lý của sếp, hay đồng nghiệp khó ưa. Kate dường như đang sống cho sự hài lòng của người khác. Bởi mỗi lần nói lời từ chối cô đều cảm thấy tội lỗi.
5. Dùng người thành công làm hình mẫu cho trẻ
Mỗi thế hệ đều có những thần tượng của riêng mình. Trong những thập kỷ gần đây, câu chuyện về những cá nhân thành công, giàu có và có ảnh hưởng lớn đến thế giới ngày càng phổ biến. Chúng ta cố gắng tìm hiểu và học hỏi về con đường mà họ đã đi để thành công, giàu có và giỏi giang như họ, nhưng thực tế sẽ không diễn ra như vậy, vì nhiều lý do. Hẳn là như thế, nếu không thì tất cả những người đọc sách về những tấm gương thành công đã có thể dễ dàng xử lý các vấn đề tài chính, công việc của họ.
Alex từng rất thần tượng Steve Jobs. Anh thu thập tất cả những thông tin về "người hùng của Apple" và lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Đến tuổi đi học đại học, Alex quyết định không cần đi học đại học vì "Steve Jobs vẫn thành công dù không cần đến bằng cấp". Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm việc, Alex vẫn buộc phải đi học lại để có được vị trí tốt hơn và tăng lương. Anh nhận ra rằng: "Điều có thể rất tốt với Steve Jobs thì với tôi - một người bình thường, chỉ là lãng phí thời gian".
6. Cho trẻ thấy cuộc sống "cơm áo gạo tiền" chật vật
Thi thoảng bạn cũng có thể để con chứng kiến cha mẹ buồn vì những khó khăn của cuộc sống. Nhưng nếu nó tiếp diễn hàng ngày thì lại rất có hại. Khi bạn làm vậy, các vai trò trong gia đình bị đảo lộn, khiến trẻ hình thành tâm lý phức tạp, nửa muốn gồng mình để giúp đỡ cha mẹ, nửa sợ hãi cuộc sống trưởng thành.
Thậm chí, một số đứa trẻ có thể hình thành cảm xúc coi tiền là gánh nặng, là mục tiêu số 1 của cuộc sống thay vì sống một cuộc sống đơn thuần vô tư của một đứa trẻ.
Ở chiều ngược lại, trong các gia đình giàu có, đôi khi cha mẹ thể hiện cho con cái sự giàu có, chi tiêu không phải nghĩ. Cha mẹ có thể cho con một khoản tiền tiêu vặt lớn hoặc mua sắm bất kỳ thứ gì trẻ muốn khi đi siêu thị.
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc thỏa mãn mọi mong muốn tức thời của trẻ có hại nhiều hơn. Rèn cho trẻ khả năng trì hoãn sự thỏa mãn sẽ có ích hơn cho con trong tương lai.
7. Lấy tiền làm phần thưởng
Nhiều cha mẹ dùng tiền để làm phần thưởng khuyến khích trẻ khi chúng hoàn thành tốt công việc được giao như được điểm cao, làm hết việc nhà... Tuy nhiên, vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi.
Ví dụ, cha mẹ của Alexandra khuyến khích con học tốt bằng cách thưởng cho cô bé một số tiền khi được điểm cao trong bài kiểm tra. Mọi việc diễn ra tốt đẹp cho đến một ngày bố mẹ Alexandra phát hiện rằng con gái đã bất chấp mọi cách để có điểm cao như quay cóp bài, mua kẹo cho bạn cùng lớp để được chép bài trong giờ kiểm tra hòng đạt điểm cao...
Khi biết chuyện, cha mẹ của cô bé quyết định cắt việc thưởng tiền và đổi cách giáo dục con. Họ cho rằng việc con dối trá để có được tiền thưởng, thay vì cố gắng làm bài tốt, là điều không thể chấp nhận được.
Những phần thưởng nhỏ để khích lệ trẻ cố gắng, làm việc tốt hơn rất cần thiết, nhưng đừng để chúng biến thành mục tiêu chính để trẻ theo đuổi. Thay vì dùng phần thưởng bằng tiền, cha mẹ hãy chuẩn bị những món quả ý nghĩa mà con yêu thích như những chuyến đi khám phá cuộc sống, hay đồ đùng trong học tập, cuộc sống hữu ích.
Theo Brightside