THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:22

Lúng túng kiện doanh nghiệp nợ BHXH

 

Công nhân Công ty TNHH Keo Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc, huyện Hóc Môn, TPHCM) đòi quyền lợi khi chủ DN nợ lương, nợ BHXH. Ảnh: HỒNG NHUNG.


Người lao động khốn khổ

Công ty cổ phần Công nghệ và tầm nhìn Yêu Âm Nhạc (YAN TV; quận 10, TP.HCM) là một trong những DN có số nợ BHXH lớn, thời gian nợ kéo dài. BHXH TP.HCM cho biết, công ty này đang nợ BHXH gần 11,4 tỷ đồng suốt hơn 15 tháng qua. Việc nợ nần BHXH của công ty đã khiến người lao động rơi vào cảnh khốn khổ.

Chị Nguyễn Công Hoàng Yến (ngụ quận 3) cho biết, chị đã nghỉ việc tại YAN TV từ tháng 6-2015 nhưng đến cuối tháng 9-2016, công ty vẫn chưa trả sổ BHXH cho chị. Khi nghỉ việc, chị đang mang thai tháng thứ 5 và chị không được nhận chế độ thai sản, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

“Hàng tháng đi làm, chúng tôi đều bị trích trừ tiền bảo hiểm, nhưng đến khi nghỉ việc và thất nghiệp thì không nhận được BHTN; sinh con không có chế độ thai sản. Hàng ngày, tôi phải chi tiêu biết bao chi phí tiền nhà, tiền ăn, chi phí khám chữa bệnh, tiền sữa, tiền tã lót, học hành cho con, nhưng phía công ty lại thờ ơ, bỏ mặc quyền lợi của người lao động”, chị Hoàng Yến bức xúc. Tương tự, nhiều đồng nghiệp của chị Hoàng Yến cũng mòn mỏi chờ đợi cả năm qua nhưng chưa được YAN TV chốt sổ, trả sổ BHXH để hưởng các chế độ bảo hiểm.

Theo BHXH TPHCM, nhiều công ty, tập đoàn nợ BHXH triền miên từ năm này sang năm khác. Riêng các công ty thuộc Tập đoàn Mai Linh đang nợ BHXH với số tiền “khủng” là 135 tỷ đồng. Các công ty con thuộc tập đoàn này đã bị cơ quan BHXH khởi kiện ra tòa và chuyển sang giai đoạn thi hành án. Tuy nhiên, các công ty con này vẫn chưa thi hành án; số nợ chưa thu hồi được sau khởi kiện đang là 115 tỷ đồng.

Trong khi đó, Trung tâm Điện thoại di động C.D.M.A trực thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) đã chấm dứt quan hệ với cơ quan BHXH từ tháng 2-2013 nhưng vẫn còn nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) với số tiền hơn 12,4 tỷ đồng (nợ từ tháng 11-2010).

TAND TPHCM đã có bản án, buộc SPT phải có trách nhiệm đóng số tiền nợ trên nhưng đến nay SPT vẫn chưa thi hành. Ngoài số tiền nợ theo bản án là 12,4 tỷ đồng, từ tháng 1-2016, SPT còn nợ BHXH, BHYT, BHTN của 1.022 lao động với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Đặc biệt, TPHCM có 9 DN có chủ là người nước ngoài bỏ trốn với số nợ BHXH, BHYT lên đến 43 tỷ đồng. Chủ Công ty TNHH Sae Hwa Vina bỏ trốn trong khi đang nợ BHXH số tiền gần 10,2 tỷ đồng. Hàng trăm công nhân Công ty TNHH Keo Hwa Vina bị ông chủ “bùng” số tiền BHXH 14,2 tỷ đồng. Công ty TNHH J-Tex Vina trở thành DN vô chủ trong khi còn nợ BHXH hơn 7,7 tỷ đồng… BHXH TPHCM cho biết, tổng số tiền các DN nợ BHXH đang tăng mạnh, lên đến hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.

 

Công nhân Công ty TNHH Keo Hwa Vina đòi quyền lợi khi chủ DN nợ lương, nợ BHXH. Ảnh: HỒNG NHUNG.


Vì sao công đoàn chưa kiện DN?

Trước đây, cứ nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên, DN sẽ bị BHXH TPHCM kiện ra tòa. Riêng năm 2015, BHXH TPHCM đưa 1.800 DN ra tòa. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2016, theo quy định, cơ quan BHXH không còn quyền khởi kiện DN nợ BHXH để thu hồi số nợ đọng. Chức năng này được chuyển sang tổ chức công đoàn. Cũng từ thời điểm chuyển giao đến nay, việc khởi kiện DN nợ đọng BHXH ra tòa bị “tắc”.

Từ đầu năm đến nay, TPHCM không có thêm bất cứ DN nào nợ BHXH bị đưa ra tòa. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết biện pháp đòi nợ cao nhất mà TPHCM - địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng từ năm 2008 đến nay, là khởi kiện ra tòa, thì hiện nay không được sử dụng. Số nợ BHXH vì thế tăng mạnh, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Không những không có thêm DN nào nợ BHXH bị đưa ra tòa, ngược lại, tòa án còn trả lại 362 đơn mà BHXH TPHCM đã khởi kiện, để tổ chức công đoàn khởi kiện theo quy định mới.

Vì sao hơn 10 tháng đã trôi qua mà tổ chức công đoàn vẫn chưa thực hiện chức năng mới của mình là khởi kiện DN nợ đọng BHXH ra tòa để thu hồi nợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động? Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, cho biết hiện LĐLĐ TP đã tiếp nhận hồ sơ của 252 DN nợ BHXH với số tiền 71 tỷ đồng mà BHXH TPHCM chuyển sang. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ mới này, tổ chức công đoàn gặp một số khó khăn. Hiện nay, cơ quan tòa án chưa hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục khi công đoàn tham gia khởi kiện. Đặc biệt, thời gian để chủ tịch công đoàn cơ sở được hoạt động công đoàn là 3 ngày/tháng (theo Bộ luật Lao động), do vậy chủ tịch công đoàn cơ sở sẽ rất khó sắp xếp thời gian để tham gia khởi kiện.

Trên thực tế, khi các DN nợ đọng BHXH hay có chủ bỏ trốn, người lao động thường rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tứ tán người đi kẻ ở. Trong khi đó, để công đoàn khởi kiện DN thì phải có sự ủy quyền của người lao động. Vậy việc ủy quyền được thực hiện thế nào nếu người lao động đã di chuyển tới nơi khác? Bà Trần Kim Yến cho rằng, tổ chức công đoàn sẽ hướng dẫn mẫu ủy quyền giúp người lao động thực hiện. Nếu người lao động không có mặt tại DN, công đoàn sẽ thông qua phương tiện báo, đài nhằm thông tin đến người lao động biết để họ thực hiện việc ủy quyền cho tổ chức công đoàn.

Cũng theo bà Yến, LĐLĐ TP đang phối hợp với các cơ quan BHXH, tòa án, Sở LĐ-TB&XH TPHCM… hoàn chỉnh quy trình, thủ tục, những hồ sơ cần thiết. Trước mắt, LĐLĐ TP sẽ chỉ đạo thí điểm kiện 1 DN nợ BHXH, sau đó tiếp tục thực hiện khởi kiện đồng loạt.

Luật sư ĐÀO KIM LÂN, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát: Cơ quan BHXH làm hết trách nhiệm sẽ giảm nợ, trốn đóng BHXH

Cơ quan BHXH đóng vai trò then chốt vì chịu trách nhiệm giám sát, xử lý đơn vị vi phạm, thu hồi tiền BHXH. Trước hết, các bên liên quan cần phân định rõ đó là tranh chấp về tiền nợ, chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH hay là tranh chấp khác liên quan đến BHXH. Nếu là hành vi nợ, chậm đóng, chiếm dụng thì cơ quan BHXH đã nhận quyền chủ động xử lý bằng quyết định xử phạt hành chính, không cần “phiền” đến tòa. Trong khi, trước kia, những vi phạm nói trên “phụ thuộc” tòa án trong việc xử lý, vừa mất thời gian tham gia tố tụng, lại tạo thêm áp lực cho ngành tòa án. Rõ ràng, quy định mới đã rút gọn quá trình xử lý. Như vậy, việc giao cơ quan BHXH xử phạt DN vi phạm về BHXH là quy định tiến bộ.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quy định khác, quá trình áp dụng không tránh khỏi phát sinh vướng mắc. Đơn cử, DN có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính. Từ đó, việc “đẻ” thêm một vụ kiện hành chính vô tình kéo dài thời gian thu hồi tiền BHXH, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động. Chưa kể, việc thi hành quyết định hành chính không nghiêm sẽ dẫn đến hiện tượng “lờn thuốc”. Giống như thực trạng xử lý hành chính trong lĩnh vực xây dựng, ngoài phạt tiền, tất cả quyết định xử phạt đều “buộc tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu”; song chưa đến 1% cá nhân, tổ chức thi hành đúng.

Luật mới sẽ “tiện, nhanh và chủ động” nếu các ban ngành có biện pháp thực thi hữu hiệu. Nắm trong tay “vũ khí” là thẩm quyền xử phạt hành chính, cơ quan BHXH cần làm hết trách nhiệm, từ khâu tuyên truyền, vận động ban đầu cho đến khâu quản lý, thống kê, thanh tra, kiểm tra các bước thực hiện; xử lý nghiêm, kịp thời, không tạo kẽ hở cho DN. Nếu cơ quan BHXH giám sát, đôn đốc từ khi DN mới thành lập thì chuyện chậm đóng, nợ, trốn đóng BHXH sẽ khó xảy ra. Song song đó, ngành tòa án nên có hướng dẫn thêm đối với vụ việc kiện hành chính, như xét xử theo thủ tục rút gọn...

Ông NGUYỄN THÀNH VINH, Chánh Tòa Lao động - Tòa án nhân dân TPHCM: Công đoàn cấp trên cơ sở có thể kiện DN

Pháp luật quy định tổ chức công đoàn tiến hành khởi kiện cần phân định rõ tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động. Đối với tranh chấp cá nhân, tổ chức công đoàn tiến hành khởi kiện phải nhận ủy quyền của từng người lao động. Ví dụ: 800 người lao động khởi kiện một chủ DN thì mỗi người phải làm một ủy quyền cho tổ chức công đoàn. Mỗi ủy quyền như vậy sẽ là một vụ việc riêng lẻ khi tòa án tiếp nhận. Người lao động có thể làm đơn xin vắng mặt nếu không đến dự tòa. Về tranh chấp tập thể, sau khi hòa giải bất thành, tổ chức công đoàn có thể gửi đơn yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện (nơi đóng trụ sở DN) giải quyết. Trong tình huống quá thời hạn vẫn chưa nhận được phản hồi hoặc các bên không đồng tình với quyết định của chính quyền thì yêu cầu tòa án giải quyết. Nếu DN chưa có tổ chức công đoàn thì tập thể người lao động có thể nhờ công đoàn cấp trên đứng ra đại diện khởi kiện chủ DN.

 

LĐLĐ TPHCM đang quản lý 19.047 công đoàn cơ sở. Trong đó, có 20 cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc ở DN có từ 1.000 lao động trở lên, hưởng lương của công đoàn. Số cán bộ công đoàn còn lại là công nhân đang làm việc trong các đơn vị, DN, hưởng lương từ DN. Việc khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, LĐLĐ không giao hết trách nhiệm cho công đoàn cơ sở, mà còn là trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc LĐLĐ TP sẽ là người trực tiếp tham gia khởi kiện. Đồng thời, chúng tôi sẽ vận động các luật sư, luật gia tham gia cùng với LĐLĐ TP hỗ trợ, tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng để cán bộ công đoàn tham gia trong các phiên tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Bà TRẦN KIM YẾN, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh