Lưng tròng với “hy vọng”
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:44 - 06/03/2016
Khu rừng thảo quả đổ rạp, chết trắng, phải mất nhiều năm nữa mới cho thu hoạch trở lại.
Cây thoát nghèo
Giờ này năm ngoái, anh Vàng A Chư (xã Lao Chải) đang tất bật chuẩn bị lò, gùi, củi, sẵn sàng cho một mùa thảo quả bội thu. Nếu như cây lúa dưới ruộng bậc thang cho hạt gạo, con gà, con lợn, vườn rau cho thức ăn, thì thảo quả là cây cho ra tiền. Cứ mang thảo quả ra khỏi vườn là có tiền. Xấp tiền dày cộp hàng trăm triệu từ việc bán thảo quả được anh phân chia từng khoản, khoản mua xe máy để băng rừng, khoản mua tivi để giải trí và học hỏi làm giàu, còn khoản để dành sau này cho con cái học hành tử tế.
Không chỉ có anh Chư, như anh Giàng Vàng Ly ở xã Lao Chải, ông Giàng A Công ở xã Chế Tạo rồi hàng chục hộ khác ở các xã Mồ Dề, Chế Cu Nha, Nậm Khắt cũng đều giống nhau ở chỗ thoát được nghèo sau khi trồng thảo quả. Vậy nên mới có cái kết luận: Cứ có thảo quả là giàu.
Nhớ lại nhiều năm trước, khi đó người ta còn hồ nghi về giá trị và đầu ra của cây thảo quả, nhưng vì cái đói, cái khát không chịu buông tha nên đành nhắm mắt mà làm. Rồi lần lượt ba bốn nhà vào rừng chọn địa thế, tìm nguồn nước, bắt đầu phát cây rậm, đặt những mầm thảo quả đầu tiên vào lòng đất thiêng. Vì cây thảo quả ưa nhiệt độ lạnh trung bình từ 0 độ trở lại, dưới độ âm là chết. Cây ưa ẩm, nên được trồng dưới tán lá cây rừng già và gần suối. Để có được một cây thảo quả, người dân phải ươm giống mất 2 năm mới có được cây non, và phải mất thêm 3 năm nữa cây mới đủ lớn cho thu hoạch quả.
Người dân xót xa khi nhìn thấy cây hy vọng đã không còn hy vọng.
Với thảo quả thì chỉ cần trồng một lần, cây sẽ phát triển và cho quả hàng chục năm sau mới phải phá bỏ. Lợi nhuận đem lại từ thảo quả rất rõ rệt nên mỗi năm người ta lại vào rừng trồng thêm một vài trăm gốc. Thành ra cây thảo quả cứ lớn dần, phát triển lên hàng nghìn gốc sau một thời gian trồng rồi phát triển lên đến ba, bốn hecta mỗi hộ. Chính cây thảo quả đã mang lại thu nhập cho người dân khoảng từ 100 - 300 triệu đồng/năm, và trở thành cây trồng “chủ lực” trong xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi này.
Khó khăn trăm bề
Giá trị thảo quả mang lại rất lớn nên người dân đầu tư làm nhiều. Nhưng đợt rét này gần như đã xóa xổ tất cả. Vườn thảo quả nào cũng vậy, trắng xóa. Cây bị đổ rạp xuống, cây thì gãy ngang thân, héo úa. Đến gần như 100% hoa đều bị thối nhũn hết. Xót xa hơn là năm nay cây chết, người ta lại phải trồng lại, hoặc phải chờ đợi thêm 3-4 năm cây mới cho thu hoạch trở lại, đồng nghĩa vốn đầu tư vào đây sẽ còn rất lâu nữa mới hoàn lại được, cái khó khăn vất vả lại cũng theo đó mà hình thành.
Anh Vàng A Chư không khỏi nuối tiếc khi nhìn những bông hoa bị giá rét làm hỏng.
Vậy nên, có người lên núi thăm thảo quả mà chân tay bủn rủn, có người lên đến vườn đã ngồi sụp xuống nức nở khóc. Như anh Ly chẳng hạn, sau khi đi thăm rừng thảo quả, anh không muốn ăn cơm, xót xa nhìn về hàng nghìn gốc thảo quả đổ rạp xuống, màu vàng úa. Như trước rét, ông mang trong tâm niềm hy vọng sẽ được mùa bội thu, tính toán sắm sửa làm ăn kinh tế này nọ. Nhưng giờ cái tính toán đó đi vào không tưởng nên anh ngồi thở dài, bất lực, còn vợ anh thì chẳng muốn bước chân nữa, nước mắt lưng tròng.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Mù Cang Chải, toàn bộ hơn 1500 hecta thảo quả đã bị thối củ, tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 200 tỷ đồng. Dù là cây hy vọng của bà con thật nhưng vì các lý do liên quan đến công tác bảo vệ rừng và thiên tai nên UBND huyện Mù Cang Chải không khuyến khích trồng và cũng không cấm bà con trồng cây thảo quả. Mặt khác, cây thảo quả cũng không nằm trong danh mục những loại cây được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, theo ông Giàng A Vừ, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, trước mất mát của bà con, lãnh đạo huyện vẫn chỉ đạo thống kê diện tích và thiệt hại để báo cáo lên tỉnh, đề xuất, xin ý kiến tỉnh đưa ra các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ bà con sớm ổn định, phần nào giải quyết khó khăn cho bà con trong thời gian tới.
Để chủ động giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chuyển hơn 2.500 tỉ đồng để các đơn vị chủ động nguồn vốn giải ngân giúp bà con khắc phục hậu quả đợt mưa rét nhằm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Đồng thời cử các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo các chi nhánh phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và hộ vay vốn rà soát lập hồ sơ xử lý rủi ro theo quy định. Mặt khác, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng áp dụng các biện pháp gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả nợ) đối với các khoản vay bị thiệt hại đến dưới 40%. Khoanh nợ tối đa đến 3 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 40% đến dưới 80%; khoanh nợ tối đa đến 5 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 80% đến 100%, trong thời gian khoanh nợ, khách hàng chưa phải trả nợ và không phải trả lãi. |