Lực sĩ Lê Văn Công và những giọt nước mắt sau ánh hào quang!
- Y học 360
- 01:30 - 11/09/2016
Ông Lê Văn Tuân và bà Nguyễn Thị Quế ( bố mẹ để của lực sĩ Lê Văn Công)
Lực sĩ Lê Văn Công, người vừa đoạt Huy chường Vàng Paralympic môn cử tạ hạng dưới 49 kg, tại Brazil, sinh ra trong một gia đình giáo dân nghèo, tại khối phố 10, phường Đại Nài, T.P Hà Tĩnh. Bố anh là ông Lê Văn Tuân (SN 1957), mẹ là bà Nguyễn Thị Quế (SN 1961) đều là nông dân thuần phác, ông bà sinh hạ được 5 người con, Công là con thứ ba trong gia đình. Bi kịch bắt đầu xảy ra ngay từ lúc Công chưa thoát thai khỏi lòng mẹ! Đó là lúc bà Quế mang thai anh mới hơn 3 tháng, thì có đoàn Y tế về cơ sở thực hiện chương trình khám, chữa bệnh miễn phí cho dân. Bà Quế lúc đó đang mắc bệnh sốt xuất huyết nên được một nhân viên trong đoàn khám và cho tiêm một liều kháng sinh mạnh.
Một ngày sau khi tiêm xong, bệnh của bà Quế có phần thuyên giảm, bà được gặp bác sĩ (B.S) Nho, người cùng phường, lúc đó B.S Nho còn công tác tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, bà Quế nhờ B.S Nho tư vấn sức khỏe, đồng thời cung tấp thông tin việc mình đã được sử dụng thuốc kháng sinh của đoàn y tế dự phòng. Vừa nghe bà Quế kể xong, B.S Nho bỗng giật mình, mặt tái xanh như “cắt không ra máu”! Ông cho biết, người mang bầu mới hơn 3 tháng mà tiêm kháng sinh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Bất cứ một thầy thuốc nào cũng hiểu rõ được đó là điều cấm kỵ đó. Vậy tại sao trước khi khám cho bà thầy thuốc đó không hỏi bệnh nhân có mang thai không? Mang thai được thời gian bao lâu?... Vô tình dẫn đến sự việc đáng tiếc như thế là không thể chấp nhận được!
Con đường gắn liền với tuổi thơ dữ dội của lực sĩ Lê Văn Công
Sau khi biết việc đã lỡ ra, bà Quế vẫn không hề nói với ai, đặc biệt không hề hé miệng cho bất cứ ai biết danh tín của nhân viên y tế đó. Bà chỉ nói việc đó với chồng rồi cùng chồng siêng đi nhà thờ cầu nguyện. Đến bây giờ khi con của bà vừa dành Huy chương Vàng Paralympic, nhiều cơ quan báo chí đến phỏng vấn bà về danh tín người tiêm mũi thuốc kháng sinh cho bà ngày ấy là ai, nhưng bà vẫn dấu tăm vì sợ liên lụy đến họ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dânsinh, bà Quế cho biết, năm 1983, khi mang thai Công, bà được tiêm mũi kháng sinh “định mệnh” ấy, và sang năm 1984, bà sinh anh tại Trạm xá của phường, nhưng sau này do Công phải đi học muộn nên bà làm lại khai sinh cho Công sinh vào năm 1986. Khi sinh ra Công cân nặng được 3 kg và cũng cất tiếng khóc chào đời như bao đứa trẻ khác, nên bước đầu bà Quế vẫn đinh ninh con mình khỏe mạnh bình thường! Ngờ đâu, một ngày sau thấy đôi chân con co quắp lại, B.S Lĩnh nhân viên của trạm xá đã nắn chân cho cháu, nhưng vì không biết chân cháu bị tật nguyền nên khiến cả 2 chân của cháu bị gãy.
Một lần nữa vợ chồng bà Quế lại phải đưa cháu đi khắp các bệnh viện để chữa trị đôi chân cho con, nhưng tới đâu các bác sĩ đều bảo đợi lúc nào cháu lớn rồi mới có thể chỉnh hình được. Trớ trêu thay, khi Công lớn lên, bố mẹ đưa em đi đến bệnh viện thì cũng những bệnh viện ấy, những bác sĩ ấy lại bảo sao lúc nhỏ không đưa cháu đến, để đến bây giờ mới đưa cháu vào viện thì chữa trị gì nữa!
Vợ chồng lực sĩ Lê Văn Công trong ngày cưới
Hơn ai hết có lẽ Công là người hiểu được những mặt trái của nghề thầy thuốc, nên ngay từ nhỏ mặc dù bị tật nguyền cả đôi chân không thể đi lại được, nhưng anh vẫn quyết tâm học tập và rèn luyện thể chất của mình. Anh yêu các bộ môn nghệ thuật và công nghệ thông tin, đặc biệt anh say mê thể thao. Nhưng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, và điều kiện không cho phép ở địa phương nghèo, nên bằng mọi cách anh vẫn tập luyện theo cách riêng của mình, vượt qua mọi rào cản. Bằng chứng rõ nhất mà bố mẹ anh nhận thấy thấy, mỗi tuần anh xài tốn ít nhất một đôi dép đi lại bằng tay do chạy đá bóng bòng tay với lũ trẻ chăn trâu trong phường. Ngoài ra Công còn có biệt tài leo trèo. Anh coi đó là một môn thể thao phù hợp với người chỉ còn lại đôi tay như mình, nên hằng ngày anh ra vườn leo trèo, đu nhảy hết cây này sang cây khác như con sóc lửa; có cây nào cao nhất, khó trèo nhất trong vùng, không ai trèo được đối với Công cũng chỉ là chuyện nhỏ. Bố của Công cũng thật bụng nói: Sau khi Công vô Sài Gòn, cả xóm ai có cây cau, cây kè nào cao nhất đều chặt bỏ hết, bởi khi cần hái buồng cau, chặt ít lá kè làm lán trại không có Công trong xóm chẳng có ai làm thay cho việc đó được.
Nói đến ý chí của Công thì cả phường Đại Nài ai cũng biết, nhưng con đường đến với vinh quang của anh quả là một câu chuyện hết sức phiêu lưu. Từ nhỏ anh thèm có được một chiếc xe lăn, nhưng phải đợi mãi đến năm anh lên 14 tuổi mới có được cái cảm giác được ngồi vào nó tự đi lại. Chiếc xe lăn đó do ông Nguyễn Thành Vinh, cán bộ Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, người họ hàng của Công mua hộ từ Hà Nội mang về cho Công, nhân sau một chuyến ông Vinh về thăm quê ở phường Đại Nài, T.P Hà Tĩnh biết được hoàn cảnh của Công.
Cánh đồng trước nhà từng được anh đá bóng bằng tay với lũ chăn trâu
Với việc có xe lăn cũng phản ánh một phấn con đường học hành của Công, bởi chỉ dùng được một năm chiếc xe bị hỏng. Trước đó, bố mẹ Công phải làm lại giấy khai sinh, khai tụt cho Công 2 năm. Vì cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp nên bố mẹ phải bố trí cho Công và hai người em kế của Công là Lê Văn Hào (SN 1986) và Lê Văn Hiền ( SN 1988) học chung cùng một lớp, để các em thay nhau chở Công cùng đi học. Tuy vậy, học đến lớp 9 Công phải nghỉ học, nhường chiếc xe đạp của cả nhà cho hai đứa em đi học cấp III tại Trường THPT Phan Đình Phùng cách nhà hơn 3km, mặc dù lúc đó Công học văn hóa rất giỏi.
Bước ngoặt hệ trọng nhất cuộc đời của Công chính là năm 2004, lúc đó Công vừa tròn 20 tuổi, anh được cha xứ Đinh Văn Quỳnh liên hệ với ông Nguyễn Trường Xuân, ở quận Bình Thạnh, T.P Hồ Chí Minh đưa vào T. P Hồ Chí Minh nuôi dưỡng, trở thành thành viên thứ 32 của Trung tâm từ thiện do ông Nguyễn Trường Xuân phụ trách; không hiểu mối ràng buộc nào, từ đó con số 32 trở thành con số rất lạ luôn đem đến những bất ngờ cho sự nghiệp của Công sau này! Tại đây, Công được học văn hóa hết cấp học phổ thông, đồng thời học nghề, và trưởng thành nhanh chóng, tự kiếm sống được để nuôi bản thân. Nhưng với lòng say mê thể thao, sau những ngày làm việc mệt mỏi, Công tìm đến Cung thể thao Quân khu 7 xin vào tập luyện. Nhân một lần gặp Công tại đây, ông Nguyễn Hồng Phúc, huấn luyện viên của Lực sĩ quán quân Lê Văn Công bây giờ, biết được em có tố chất của một vận động viên cử tạ nên ông đã đưa Công về huấn luyện tại Trung tâm thể thao dành cho người khuyết tật T.P Hồ Chí Minh, và từ đó đưa Công đi hết từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác.
Móng nhà của lực sĩ Lê Văn Công xây dở định đưa vợ con về ở để chăm sóc bà cô ruột
Trên hết, tất cả mọi thành công của Công là nhờ Công có một bà cô ruột hết sức tuyệt vời! Người cô của anh là bà Lê Thị Nguyện đã trực tiếp chăm sóc, nuôi nấng anh từ nhỏ, mỗi khi buồn vui bà đều tâm sự với chỉ mình Công, đứa cháu mà bà dồn hết tất cả sức bình sinh và tình thương của mình dành cho nó đã lên cõi thiên đường vào ngày 16/6,. Trước ngày Công trở thành quán quân Paralympic chưa đầy 3 tháng. Nhận được tin bà cô mất, đúng cái ngày đó thật đau buồn quá sức tưởng tượng đối với Công! Lúc đó anh còn phải tập trung tập luyện chuẩn bị cho chuyến dự Paralympic trên đất nước Brazil xa xôi; anh chỉ kịp đến nhà thờ lớn làm lễ cho cô, rồi gửi về cho mẹ 10 triệu đồng để lo đám đình cho người cô ruột được chu tất.
Cũng vì quá nặng lòng với người cô ruột của mình, nên sau khi cưới vợ năm 2008, đến năm 2009, Công quyết định về quê bỏ móng xây một căn nhà nhỏ trong vườn, đưa cô sang ở với vợ chồng mình. Tuy vậy, thấy đứa cháu tàn tật như vậy mà đưa vợ con về quê không biết làm gì để ăn, nên bà cô khuyên cháu cứ ở lại T.P Hồ Chí Minh một thời gian nữa, lúc nào có điều kiện hãy tính sau. Nay Lực sĩ Lê Văn Công đã có 2 mặt con, một trai và một gái; vợ là cô Chu Thị Tám cũng là một giáo dân hiền thục, quê ở làng Nghi Kiều, (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) làm công nhân cho một xưởng may ở Long An; và vợ chồng Công đã mua được một căn hộ tại Khu đô thị mới Mỹ Hạnh ( Long An).
Di ảnh trên ban thờ người cô ruột thương yêu của lực sĩ Lê Văn Công
Cái móng nhà mà Công xây ở quê vẫn còn bỏ dở, người cô ruột thương yêu của anh đã lặng lẽ ra đi. Đúng là không có vinh quang nào không phải đánh đổi những đau thương mất mát, nhưng đằng sau ánh hào quang của lực sĩ Lê Văn Công phải đánh đổi bằng cả một sự mất mát, mà với anh là quá đắt!
Mảnh vườn nơi lực sĩ Lê Văn Công thường hay leo trèo từ thời trẻ
Sân đất ngày xưa lực sĩ Lê Văn Công thường bò chơi giờ được bố mẹ anh làm mới để phơi lúa
Một số bằng khen của lực sĩ Lê Văn Công trên đường tới Vinh Quang