Luật phòng, chống ma tuý và luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy còn nhiều bất cập
- Tây Y
- 01:14 - 21/12/2019
Báo cáo tóm tắt đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý.
Theo đó "áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma túy, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện; tổ chức cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; khuyến khích cá nhân, gia đình, thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện".
Từ năm 2000 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống ma túy trong đó cai nghiện ma túy là nhiệm vụ trọng tâm. Các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý, các chương trình hành động phòng, chống ma tuý. Đồng thời khẳng định việc đầu tư phòng, chống ma túy là một phần không thể tách rời của chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Để bảo đảm nguồn lực thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy, cả nước đã hình thành được hệ thống cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho công tác cai nghiện, phục hồi trên cả nước được quan tâm đầu tư thường xuyên. Mạng lưới cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện ma túy được quan tâm quy hoạch từng bước phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập; có 35 điểm tư vấn tại cộng đồng, thực hiện chức năng tư vấn, cai nghiện, một số điểm đã tham gia cấp phát Methadone tại tuyến xã có hiệu quả. Hiện cả nước có 2.165 đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã với 14.824 tình nguyện viên.
Những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành liên quan đã tích cực phối hợp trong thi hành pháp luật về cai nghiện phục hồi. Giai đoạn từ 2009 - 2016, cả nước tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 51.962 lượt người (chiếm 27,38% tổng số người được cai nghiện theo các hình thức); dạy nghề cho 2.677 lượt người; hỗ trợ tạo việc làm cho 1.762 lượt người. Từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% năm 2013; năm 2017 còn 3.566 lượt người và năm 2018 còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người.
Về cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện: Giai đoạn 2009 - 2018, cả nước đã quản lý, cai nghiện bắt buộc cho 289.724 lượt người. Giai đoạn 2017 - 2018, trung bình hàng năm quản lý, cai nghiện cho khoảng 25.000 lượt người. Đồng thời các cơ sở cai nghiện công lập cũng tích cực thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện. Hàng năm các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho trên 5.000 lượt người. Bình quân hàng năm các cơ sở cai nghiện tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập cũng đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 lượt người.
Mặc dù, đạt được những kết quả nêu trên song công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất.
Những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật và trong tổ chức thực hiện
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó xác định hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác trong việc khai báo các triệu chứng, đặc biệt là ma túy tổng hợp; Luật hiện hành không quy định việc tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện.
Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế thì việc xác định nơi cư trú ổn định là vấn đề khó khăn, các địa phương áp dụng khác nhau (như đến nhà xác định 3 lần vắng mặt thì kết luận là không nơi cư trú; sang địa bàn xã, phường khác sử dụng ma túy thì xác định là không có nơi cư trú....), đặc biệt là các tỉnh phía Nam, gần 100% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định.
Luật Phòng, chống ma túy giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong khi tại cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, con người còn khó khăn, việc cai nghiện ma túy đòi hỏi chuyên môn cao, do vậy quy định này không phù hợp mang tính hình thức không hiệu quả, các địa phương khó thực hiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, những năm gần đây ma túy tổng hợp và nhiều chất hướng thần khác xuất hiện ở Việt Nam có độc tính cao, nhưng việc xác định tình trạng nghiện rất khó khăn, nhiều loại ma túy chưa có phương pháp, công cụ xác định tình trạng nghiện.
Những trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không hợp tác thì việc xác định nơi cư trú ổn định của họ là rất khó khăn, nhiều trường hợp bất khả thi. Đồng thời, khi xác định được nơi cư trú thì việc bàn giao theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính là bất khả thi đối với Ủy ban nhân dân cấp xã (về thẩm quyền, về nhân lực, phương tiện, tài chính).
Khoảng trống trong cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
Ông Nguyễn Vinh Thuý, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết tại hội thảo, Khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng không quy định về áp dụng biện pháp này đối với nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó, Khoản 1 Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: "Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ".
Tuy nhiên, việc cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trường hợp này thì không bị coi là áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
"Vì vậy, để quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật nói chung, người nghiện ma túy nói riêng, tránh sót lọt, trùng đối tượng, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy theo hướng: chỉ quy định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và được xác định là người nghiện ma túy đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà bị nghiện ma túy chỉ nên thực hiện các biện pháp cai nghiện kết hợp với quản lý, giáo dục họ tại cộng đồng, gia đình hoặc cai nghiện tự nguyện nhưng vẫn phải có sự giám sát, tư vấn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương theo chủ trương xã hội hóa để huy động nguồn lực của xã hội và trách nhiệm của cộng đồng đối với những người này", ông Nguyễn Vinh Thúy cho biết thêm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 5 thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 08/10/2014 quy định về chi phí cai nghiện, chăm sóc sức khỏe học viên tại cơ sở cai nghiện. Sửa đổi, quy định chi tiết, chặt chẽ hơn điều 20 nghị định 221/2013/NĐ-CP về tạm thời đưa học viên ra khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và việc giảm danh sách học viên khi học viên phải chấp hành hình phạt tù theo bản án có hiệu lực của tòa án.
Đại diện công an TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, cần thống nhất quan điểm xác định người nghiện là người có lỗi vi phạm sử dụng trái phép chất ma tuý, tự gây khuyết tật lệch lạc nhân cách, có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, cần chăm sóc chữa trị và quản lý đặc biệt.
Bên cạnh đó, đại diện công an TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị can thiệp sớm và kéo dài liên tục hơn đối với từng cá nhân lẫn quần thể nhóm người vi phạm và có nguy cơ vi phạm về ma túy trong cộng đồng.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: "Chính sách pháp luật về công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy đã đi vào cuộc sống. Công tác cai nghiện được đổi mới toàn diện từ nhận thức đến cách thức triển khai, đa dạng hóa các mô hình. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập trong công tác phòng chống và cai nghiện ma túy như các đại biểu đã nêu".
Ông Nguyễn Xuân Lập nhấn mạnh, "Thời gian tới Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính về các chính sách liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma tuý. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách về dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện ma tuý".