CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:43

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Sửa đổi 6 nhóm nội dung cơ bản

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và đáp ứng các yêu cầu: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo gồm 8 chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 8 Điều, bổ sung mới 9 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 Điều của Luật hiện hành.

Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên, dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Sửa đổi 6 nhóm nội dung cơ bản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật có những sửa đổi, bổ sung cơ bản sau:

Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài

Bổ sung Đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 43);

Bổ sung khai báo thông tin trực tuyến thông tin của người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh (Điều 55) vào quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Nhóm nội dung về minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Về điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Bổ sung quy định "doanh nghiệp phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động" (khoản 2 Điều 8); điều kiện vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (không thấp hơn 05 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư); Bổ sung quy định "Thời hạn Giấy phép là 05 năm; được gia hạn Giấy phép nhiều lần, mỗi lần 05 năm" (khoản 2 Điều 11); Sửa đổi các quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp: nhân viên nghiệp vụ, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp/cấp đổi/cấp lại/thu hồi giấy phép: Bổ sung quy định về gia hạn giấy phép, theo đó doanh nghiệp dịch vụ được gia hạn giấy phép nếu đáp ứng các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Điều 13);

Bổ sung quy định về điều chỉnh thông tin trên Giấy phép khi thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 14).

Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài

Bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động (Điều 19, Điều 20);

Bổ sung các chính sách của Nhà nước như: chính sách hỗ trợ đối với người lao động là đối tượng chính sách xã hội để học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở những nước phát triển và có mức thu nhập cao trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật mà trong nước có nhu cầu, phát triển nguồn nhân lực căn cứ theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận người lao động" (Điều 66);

Bổ sung quy định "Nhà nước có chính sách đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện về trang bị, thiết bị, chương trình, giáo trình và đội ngũ giáo viên nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đào tạo người lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ của bên nước ngoài tiếp nhận người lao động" (Điều 66).

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Sửa đổi 6 nhóm nội dung cơ bản - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

Nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Sửa đổi khái niệm về tiền dịch vụ "là khoản tiền doanh nghiệp được nhận từ người lao động và bên nước ngoài tiếp nhận lao động theo thỏa thuận để thực hiện dịch vụ động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng", bổ sung một số quy định liên quan đến tiền dịch vụ nhằm giảm thiếu tối đa chi phí đối với người lao động như "Trường hợp bên nước ngoài đã trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu của người lao động số tiền dịch vụ bằng với mức trần tiền dịch vụ trừ đi số tiền dịch vụ đã nhận của bên nước ngoài tiếp nhận lao động" (Điều 25);

Bổ sung khái niệm về Hợp đồng môi giới "là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức, cá nhân trung gian về việc giới thiệu bên nước ngoài tiếp nhận lao động để giao kết Hợp đồng cung ứng lao động" (khoản 1 Điều 24); không sử dụng khái niệm "tiền môi giới" mà thay bằng "thù lao theo hợp đồng môi giới" (là khái niệm được sử dụng trong Luật thương mại năm 2005); bỏ quy định của Luật số 72 về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ.

Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ (Điều 68); bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho Quỹ.

Bổ sung quy định về các nội dung được chi từ Quỹ. Theo đó 8 nội dung hoạt động được chi từ Quỹ chủ yếu cho hoạt động mang tính chất thúc đẩy phát triển thị trường có chất lượng, phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bổ sung nghĩa vụ của người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải "thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm" (khoản 8 Điều 47);

Bổ sung quyền/nghĩa vụ của người lao động đi làm việc theo hợp đồng với đơn vị sự nghiệp "thỏa thuận với đơn vị sự nghiệp về hình thức đảm bảo thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật này" (khoản 3 Điều 50);

Mở rộng phạm vi bảo lãnh đối với người lao động, theo đó "Trường hợp người lao động bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền do có hành vi vi phạm quy định tại Luật này mà cố tình trốn tránh không chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định thì người bảo lãnh có trách nhiệm nộp tiền phạt cho người lao động, nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh" (khoản 4 Điều 57)

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh