CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:56

Tìm "truyền nhân" cho nghệ thuật hát xẩm

 

Khi “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” Hà Thị Cầu qua đời, loại hình nghệ thuật hát xẩm cũng đứng trước nguy cơ mai một.

Với mong muốn tìm kiếm “truyền nhân”, tỉnh Ninh Bình thực hiện Đề án Khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm truyền thống. Việc mở lớp dạy hát xẩm cho trẻ em được thực hiện theo đề án này, trước hết ở xã Yên Phong và thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô).

lop-hoc-tim-truyen-nhan-cho-nghe-thuat-hat-xm-ha-thi-cau

Một lớp hát xẩm dành cho trẻ em ở thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Ảnh: Phương Vy.

Ông Lã Phú Hải, Phó phòng Văn hóa huyện Yên Mô cho biết, lớp học được mở từ năm 2011 đến nay. Mỗi năm huyện thường tổ chức dạy 2 tháng hè với khoảng 30 tiết học. Đa số học sinh tiểu học, THCS ở Yên Phong và thị trấn Yên Thịnh tham gia.

Học sinh của lớp hát xẩm không giới hạn độ tuổi, nhưng thông thường từ 5 đến 15. Có những em chưa biết đọc nên học vẹt, nghe giai điệu mà hát theo. Cũng có những cụ ông, cụ bà đưa cháu đi học rồi cùng tham gia vì “bị cuốn hút”.

Giáo viên chính của lớp hát xẩm là cô Hà Thị Ngân, một trong những truyền nhân của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, cô Ngân cho biết, xẩm là loại hình nghệ thuật vừa khó vừa kén người học. Ngoài có chất giọng tốt thì người học phải biết nhấn nhá, nhả chữ cho đúng chất. Nếu hát không đúng kỹ thuật rất dễ biến thành điệu chèo.

“Hồi mới bắt đầu dạy, thấy các cháu tiếp thu nhanh tôi cũng bớt phần lo lắng. Giờ đây, nhiều em không những hát hay mà còn gõ nhịp, gõ sênh đúng chất xẩm cụ Cầu”, cô Ngân kể.

Kéo nhị cho các học sinh là ông Vũ Văn Phó, học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Những ngón đàn của ông Phó dù không xuất thần như cụ Cầu nhưng ở huyện Yên Mô khó có người thứ hai. Vì đam mê hát xẩm mà thời trẻ ông theo hầu, học hỏi kỹ thuật chơi nhị từ “thần xẩm” rồi lưu diễn nhiều nơi.

Ở tuổi thất thập được mời làm thầy của lũ trẻ học, ông vui vẻ nhận lời. “Với tôi niềm vui khi được sống, được nghe và được gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống này vinh dự hơn bất cứ giải thưởng nào từng có”, ông nói.

Thời gian đầu, các em được giáo viên không chuyên dạy lý thuyết, luyện âm, nhấn, nhả chữ sau đó mới tập phân biệt các thể loại xẩm. Đến nay đa số học sinh trong lớp hát được xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm thập ân… với những bài nổi tiếng do nghệ nhân Hà Thị Cầu sáng tác như Theo Đảng trọn đời, Ngược đời

lop-hoc-tim-truyen-nhan-cho-nghe-thuat-hat-xm-ha-thi-cau-1

Ngoài xẩm, học sinh trong lớp còn được dạy hát chèo. Ảnh: Phương Vy

Em Phan Thị Mỵ (14 tuổi, thị trấn Yên Thịnh) là học sinh nổi bật trong lớp, goài chất giọng tốt, em có có năng khiếu đặc biệt trong nhấn, nhả câu chữ và gõ sênh rất chuẩn. Cũng như các bạn, Mỵ theo học lớp xẩm từ những ngày đầu tiên. Cô bé chia sẻ, xẩm không chỉ là môn nghệ thuật dân gian mà còn là cuộc sống và hơi thở một khi trót yêu thích.

“Em thích hát xẩm, thích đi học cùng các bạn vì vừa là sân chơi bổ ích trong những ngày hè vừa giúp giữ gìn nét văn hóa độc đáo của quê hương”, Mỵ nói.

Ngoài dạy cho học sinh, huyện Yên Mô còn tổ chức dạy xẩm cho giáo viên thanh nhạc của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn nhằm đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này vào trường học.

Để duy trì lớp, hàng năm huyện trích nguồn kinh phí từ xúc tiến du lịch để mua đàn, trống, nhị và bồi dưỡng học sinh mỗi buổi học 30.000 đồng. Cùng với đó, hàng năm tỉnh Ninh Bình tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng tạo đất diễn cho những nghệ sĩ nhí đam mê xẩm.

“Năm nào cũng có giải cao, gần đây nhất các em xuất sắc dành hai Huy chương vàng trong Hội thi nghệ thuật quần chúng của tỉnh tổ chức”, Phó phòng Văn hóa huyện nói.

PHƯƠNG VY - LÊ HOÀNG / vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh