Lời khuyên bác sĩ giúp người cao tuổi an toàn trong mùa dịch Covid-19
- Y học 360
- 01:16 - 18/04/2020
Ở người cao tuổi, quá trình lão hóa khiến hệ miễn dịch (hàng rào phòng chống nhiễm khuẩn cưa cơ thể) bị suy giảm. Số lượng tế bào hệ miễn dịch giảm làm khả năng chống đỡ với nhiều loại tác nhân gây nhiễm cũng suy giảm, trong đó có vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) - gây bệnh viêm phổi COVID-19.
Bên cạnh đó, do tác nhân gây bệnh là vi rút nên để có thể khỏi bệnh, cơ thể phải tạo ra kháng thể chống lại, nhưng loại vi rút mới này chưa từng tiếp xúc cộng đồng trước đó nên cơ thể chưa tạo được kháng thể. Chính vì thế, cơ thể người cao tuổi nếu nhiễm vi rút SAR-CoV-2 sẽ có triệu chứng nặng hơn, cần nhiều thời gian hơn để loại vi rút ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, người cao tuổi lại thường mắc nhiều bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, ung thư, thoái hóa khớp, béo phì… Các bệnh lý này nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng miễn dịch suy giảm hơn, do đó cơ thể chống đỡ kém hơn và dễ suy giảm chức năng các cơ quan hơn.
Bên cạnh đó, đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý và phải dùng nhiều loại thuốc, đặc biệt là dùng kéo dài thuốc có chứa corticosteroids, thuốc điều trị ung thư, thuốc gây ức chế hệ miễn dịch… cũng khiến hệ miễn dịch của người cao tuổi càng giảm sút.
Chế độ dinh dưỡng như thế nào để tăng sức đề kháng trong mùa dịch
1. Uống đủ nước mỗi ngày:
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, cơ thể con người đủ nước sẽ hỗ trợ hệ bài tiết đào thải các chất cặn bã, giúp cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn, đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch sẽ sớm phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Ngoài nước lọc, người cao tuổi có thể uống theo sở thích các loại nước trái cây, sữa, tuy nhiên cần tránh các đồ uống có chất kích thích như cà phê, bia rượu… Cần đảm bảo ăn chín uống sôi, đủ chất, nên uống nước ấm thay vì nước lạnh.
Đặc biệt trong trường hợp bị sốt, cơ thể người cao tuổi rất nhạy cảm với việc mất nước, do đó việc bổ sung nước bằng đường uống là vô cùng cần thiết. Song song là việc bổ sung các chất điện giải (có sẵn trong các loại nước bù điện giải như Oresol – thuốc hay sử dụng trong tiêu chảy …) hoặc bổ sung từ nước trái cây, rau củ.
2. Ăn các loại thực phẩm giàu đạm:
Hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Với người cao tuổinên ưu tiên các loại chất đạm dễ tiêu hóa, có đầy đủ các acid amin thiết yếu, các loại thực phẩm giàu đạm ít chất béo như ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa… Ngoài ra, để kích thích vị giác hơn, người cao tuổi có thể bổ sung các loại rau, củ, gia vị vào món ăn. Chẳng hạn, tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh và các loại rau thơm (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hàng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao. Việc chú ý tới khẩu vị, sở thích sẽ giúp người cao tuổi ăn ngon miệng, ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng (từ 1-2 ly mỗi ngày).
3. Bổ sung vitamin và khoáng chất:
Nguồn vitamin, khoáng chất tốt nhất là từ rau xanh và hoa quả tươi giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu. Cụ thể, vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, vitamin nhóm B hỗ trợ chuyển hoá chất đường, tổng hợp protein, Vitamin A giúp xây dựng hàng rào phòng thủ, tái tạo, phục hồi niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu bị tổn thương, vitamin D để chuyển hoá canxi cho các hoạt động của tế bào… Chính vì thế, người cao tuổi nên ăn đa dạng thực phẩm, xây dựng khẩu phần hợp lý và lưu ý tăng cường các loại rau xanh, trái cây.
Nếu không có bệnh nền hay lưu ý khác về thức ăn do vấn đề sức khỏe, NCT nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, không nên ăn kiêng. Đặc biệt, để tăng đề kháng phòng tránh COVID-19, nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, thực phẩm nhiều màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Hạn chế các thức ăn dầu mỡ, chiên xào, có vị ngọt. Thực ra, những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng nhưng gây đầy bụng, khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Nên hạn chế thức ăn nhanh, hoặc đi ăn ngoài hàng quán. Lưu ý rửa tay trước và sau khi ăn.
Duy trì chế độ tập luyện như thế nào để vừa tăng sức đề kháng, vừa phòng chống dịch hiệu quả
Trong mùa dịch, người cao tuổi vẫn nên duy trì chế độ luyện tập để tăng cường sức đề kháng. Thay vì ra công viên, người cao tuổi có thể tập thể dục tại nhà.
Nếu có nhà riêng, có sân vườn trồng cây kiểng, người cao tuổi có thể tập vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát như bình thường. người cao tuổi có thể tham khảo các bài tập thể dục trên truyền hình, Thái cực quyền, yoga, thể dục nhịp điệu hay các bài tập thể dục khác tùy theo khả năng và lời khuyên của bác sĩ điều trị. Các bài tập có thể từ đơn giản đến phức tạp, tùy vào khả năng và lứa tuổi. người cao tuổi có thể nhờ huấn luyện viên, chuyên viên vật lý trị liệu tư vấn bài tập phù hợp với khả năng và sức khỏe của mình. Nếu sống tại chung cư, người cao tuổi có thể tận dụng phòng khách vào sáng sớm, mở cửa ban công để lấy ít nắng nhẹ, gió mát buổi sớm và thoáng khí. Các bài tập tương tự như trên.
Nếu không có ban công hoặc sân vườn, việc tập thể dục vào buổi sáng hoặc chiều mát tầm 30 - 45 phút mỗi ngày vẫn có tác dụng tốt. Nên tìm nơi vắng người, thoáng đãng, khoảng cách ít nhất 2m giữa mỗi người để làm giảm nguy cơ tiếp xúc với vi rút gây bệnh. Ngoài ra, làm các công việc nhà, lên xuống cầu thang, chăm sóc cây cảnh cũng là các bài tập thể dục đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả. Về đêm, người cao tuổi có thể tham khảo các bài tập xoa bóp, yoga tại giường nhẹ nhàng.
Với những người cao tuổi không thể đi lại, người nhà nên hỗ trợ các bài tập vật lí trị liệu được hướng dẫn bởi các kỹ thuật viên tại bệnh viện. Các bài tập có thể đơn giản tại giường hoặc chung quanh phòng.
Lời khuyên của Bác sĩ cho người cao tuổi có nhiều bệnh nền mạn tính trong mùa dịch COVID-19
Phải tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn: không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài. Tái khám: hạn chế tái khám tối đa trong mùa dịch, ít nhất 2 tháng/lần nếu tình trạng bệnh ổn định. Khám bệnh: trong trường hợp không thể trì hoãn như cần điều chỉnh thuốc, có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh cao tuổi cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: Liên hệ ngay trạm y tế phường xã, bác sĩ gia đình, nên chọn hình thức khám online.
Nếu đi khám bệnh trực tiếp, nên chọn khám tại những cơ sở y tế có khả năng tầm soát và có những biện pháp phòng chống dịch tốt. Sử dụng phương tiện giao thông cá nhân khi đi khám bệnh. Đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn tay thường xuyên, ít nhất 20 – 30 giây mỗi lần rửa tay, dùng mũ nón quần áo bảo hộ (nếu có điều kiện trang bị) trong khi đi khám bệnh.
Nên hạn chế tối đa việc di chuyển, ngồi gần các người bệnh khác (cách xa ít nhất 2m hoặc 2 sải tay). Không đến những nơi đông người như căn tin, thang máy, nhà vệ sinh… nếu không thật sự cần thiết. Khi về nhà cởi bỏ ngay khẩu trang đã dùng, rửa tay và sát khuẩn tay, thay quần áo, giày dép…
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định chung của Bộ Y tế như: lau rửa và sát trùng các bề mặt có thể tiếp xúc tay và mặt; rửa tay thường xuyên; tránh chạm tay chưa được rửa sạch lên mặt, mũi, miệng vì sẽ khiến virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể; đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát và dùng quạt thay cho điều hòa.
Thường xuyên vệ sinh, khử trùng nhà cửa, nhất là các bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa… Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn trên để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ những người cao tuổi trong gia đình. Có bất kỳ thắc mắc nào về dịch bệnh nên gọi đường dây nóng của Bộ Y tế: 1900 9095 hoặc 1900 3228.
Những điều để phòng chống dịch hiệu quả cho bản thân
Điều tốt nhất người cao tuổi có thể làm trong mùa dịch hiện nay là giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng sức đề kháng chống lại COVID-19 bằng các biện pháp đã nêu trên. Thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà, đến nơi đông người.
Giảm tiếp xúc gần (khoảng cách dưới 2 mét) đối với người phải thường xuyên ra khỏi nhà. Ngoài ra, nên chuẩn bị đủ thực phẩm và thuốc cho khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần để giảm việc phải ra khỏi nhà. Đối với người cao tuổi có bệnh mạn tính, nên có đủ thuốc điều trị bệnh trong tối thiểu là 2 tháng. Bên cạnh đó, nên kiểm soát căng thẳng, lo lắng trong mùa dịch bằng cách tránh đọc, xem quá thường xuyên các tin tức thời sự, mạng xã hội; không tiếp nhận thông tin tiêu cực.
Người cao tuổi nên tự chăm sóc cơ thể bằng việc tập hít thở, kéo dãn cơ hoặc thiền; tập thể dục, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc; thực hiện các hoạt động yêu thích trong nhà như đọc sách, chăm sóc cây cảnh; tiếp xúc gián tiếp, giữ liên lạc với người thân, bạn bè qua điện thoại, internet; khi cảm thấy lo lắng, không thoải mái thì nên chủ động nói chuyện với người thân hoặc thảo luận những vấn đề cần chuẩn bị trong trường hợp sức khỏe không ổn định.