Lời cảnh báo đầy lo lắng của Giám đốc WB tới Việt Nam
- Tây Y
- 14:03 - 06/12/2015
Lo lắng trên được bà Kwakwa đưa ra tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015 (VDPF 2015), diễn ra sáng 5/12.
Tăng thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu
Để giải quyết vấn đề trên, theo bà Kwakwa, Việt Nam sẽ phải dựa vào các nguồn vốn thu trong nước là chính. Tuy vậy, trong 5 năm qua (2011-2015), tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP của VN có xu hướng giảm tương ứng từ 27% xuống 21%.
Do đó, việc tăng cường huy động thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các múc tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ công. Ngoài ra, nguồn ODA cũng cần được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút các nguồn vốn tư nhân.
Theo báo cáo Tài trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của VPDF, Việt Nam đã và đang tìm cách để đáp ứng nhu cầu tăng đàu tư cơ sở hạ tầng, áp lực vay trong nước và nước ngoài đã bắt đầu đề nặng lên nợ công của Chính phủ. Thâm hụt dự kiến sẽ tăng lên tới 6,5% GDP trong vài năm tới (từ mức khoảng 5,3% hiện nay). Nợ công dự kiến chiếm khoảng 62,4% GDP trong năm nay.
Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015.
Các nguồn tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trong tương lai của Việt Nam đã lên mức vượt khả năng thanh toán, một phần là do tập trung vào tăng mức đầu tư tuyệt đối cứ không chú ý tới hiệu quả đầu tư. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng manh mún là nguyên nhân cơ bản dẫn tới đầu tư không hiệu quả.
Trong cơ cấu quản lý phân cấp ở mức độ cao của Việt Nam, các tỉnh lựa chọn và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng riêng của tỉnh mình, và thường cạnh tranh với nhau. Các quyết định đầu tư thường ít liên quan tới chiến lược quốc gia. Hậu quả là đầu tư quá mức làm mất cân đối ở mức độ cao so với nền kinh tế Việt Nam.
Để giảm nhẹ những thách thức đó đòi hỏi một tiến bộ rõ rệt trong hệ thống quản lý tài chính công. Tuy nhiên, ở cấp độ dự án những hiệu quả rõ rệt có thể được thông qua việc sử dụng triệt để hơn năng lực chuyên môn của khối tư nhân.
Trong tương lai, khả năng các khoản vay ưu đãi ODA cho Việt Nam sẽ bị cắt giảm cùng với việc Việt Nam ra khỏi nhóm các quốc gia thu nhập thấp từ năm 2017. Điều này sẽ mất đi nguồn vốn quan trọng thường dùng để đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Từ 2017, Việt Nam phải vay vốn lãi suất cao hơn
Trước đó, tại buổi họp báo công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 2015 do WB tổ chức, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam chia sẻ: Việc tốt nghiệp IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) của Việt Nam rõ ràng là sự kiện quan trọng đã được kỳ vọng một thời gian. Việt Nam lẽ ra đã tốt nghiệp IDA nhưng được kéo dài tới năm 2017 vì các giám đốc IDA vẫn thấy nhu cầu của Việt Nam cần nguồn vốn này.
Theo chuyên gia WB, khi tốt nghiệp IDA, Việt Nam sẽ chuyển từ vay IDA của WB với mức lãi suất bằng 0% cộng với phí dịch vụ, sang vay từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) – một đơn vị trực thuộc WB. Tuy vậy, theo ông Sandeep Mahajan, điều này cho thấy thành công và mức độ tín nhiệm của Việt Nam đã sẵn sàng khai thác nguồn vốn từ thị trường quốc tế.
Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy, WB là nhà tài trợ đa phương hàng đầu cho Việt Nam. Giai đoạn 1993-2015, tổng vốn cam kết của WB cho Việt Nam lên tới hơn 20,1 tỷ USD. Trong đó, vốn vay IDA cam kết khoảng 17,32 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào giao thông, đô thị, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, y tế và cải cách chính sách.
Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015, các đại biểu trong nước và nhà tời trợ quốc tế sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá về thành tự và những việc chưa làm được của Việt Nam trong 5 năm qua (2011-2015). Từ đó, các nhà tài trợ sẽ đề xuất, góp ý định hướng phát triển cho Việt Nam giai đoạn 2016-2020. “Các ý kiến đóng góp của quý vị sẽ được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng và Kế hoạch phát triển 5 năm tới sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm tới”, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết. |