THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:01

Lỡ uống phải C2, Rồng đỏ nhiễm chì, người tiêu dùng nên làm gì?

 

Làm gì để yêu cầu bồi thường?

Thanh tra Bộ Y tế vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty TNHH URC Hà Nội vì hành vi sản xuất và bán ra thị trường 2 lô sản phẩm trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, tổng số tiền phạt là hơn 5,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, công ty URC đã bán 2 lô sản phẩm với tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỷ đồng không thu hồi được. Tạm tính theo giá 5.000 đồng/chai, giá trị 3,9 tỷ đồng tiền hàng của URC sẽ tương ứng khoảng 800.000 chai C2 và Rồng Đỏ.

Điều này cũng có nghĩa, khoảng 800.000 chai C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì cao quá mức công bố không thể thu hồi, tiêu hủy mà vẫn còn trôi nổi trên thị trường và có thể một bộ phận không nhỏ người dân đã vô tình uống phải số hàng hóa không đảm bảo chất lượng này.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cho hay, nếu người dân chẳng may uống phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng của URC thì phải cần tự ý thức về việc đi kiểm tra ngay sức khỏe của mình tại các cơ sở y tế có chuyên môn.

Bởi theo luật sư Thiệp, các nhà khoa học đã nêu rõ, chì là một kim loại nặng cực độc, sẽ rất nguy hiểm cho người dùng nếu dung nạp vì nó tích lũy lâu nhưng thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể.

Sau khi đi khám, nếu phát hiện có các triệu chứng do việc uống các loại nước trên có lượng chì cao hơn mức cho phép gây ra thì cần tiến hành điều trị và toàn bộ các kết quả xét nghiệm, điều trị... phải được lưu giữ lại để làm cơ sở yêu cầu bồi thường.

"Theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì phải có mối quan hệ nhân quả, tức là cần chứng minh được là do uống nước C2, hay Rồng đỏ với mức chì quá ngưỡng cho phép dẫn đến hệ quả xảy ra các căn bệnh đối với mình.

Việc chứng mình này cần căn cứ trên các xét nghiệm, kết luận về y khoa của cơ quan y tế có thẩm quyền hay trưng cầu giám định.

Sau khi xác định được nguyên nhân thì cần phải chứng minh được thiệt hại thực tế gây ra, để từ đó yêu cầu công ty này phải bồi thường", luật sư Thiệp nói.

Luật sư Lê Thiệp

Tuy nhiên, theo luật sư Thiệp, việc chứng minh thiệt hại thực tế không phải đơn giản vì với các chi phí khám chữa bệnh đều có hóa đơn thì dễ dàng nhưng với các chi phí gián tiếp như mất khả năng lao động, cơ hội việc làm, thời gian, ăn uống... thì khó tính toán.

"Chưa kể, với số lượng C2, Rồng đỏ bán ra là rất lớn như vậy thì ở đây khó có thể xác định ai là nạn nhân cụ thể.

Trong khi, việc tích tụ chì hay kim loại khác trong cơ thể sẽ phải mất một thời gian dài nên việc vừa uống sản phẩm này mà cho rằng sẽ gây tác hại ngay thì sẽ khó chứng minh được", luật sư Thiệp nêu.

Luật sư Phạm Công Út (TP Hồ Chí Minh) cũng cho hay, quan trọng nhất là phải có chứng cứ chứng minh mối liên hệ nhân quả từ việc uống phải nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì với các hóa đơn, chứng từ hoặc các nguồn chứng minh hợp lý khác để chứng minh rằng mình mua nó, bị ảnh hưởng từ nó.

"Người tiêu dùng nếu đã uống phải C2, Rồng đỏ vượt ngưỡng chì cho phép thì cần thu thập chứng cứ để chứng minh việc mình đã mua những chai nước này ở đâu, thời gian nào, đã uống hay chưa uống, có thiệt hại về sức khỏe hay không.

Thậm chí, đây cũng có thể là cơ hội cho những người đã uống phải loại nước này đi xét nghiệm toàn diện sức khỏe.

Dù có hoặc chưa có tổn thất gì về sức khỏe, nhưng đó cũng là tổn thất tài chính vì phải làm xét nghiệm y khoa, thậm chí cả tổn thất về tinh thần nếu có chứng cứ cho rằng họ hoang mang lo sợ khi cho rằng mình đã "uống thuốc độc".

Tất cả những tổn thất này, nếu có đầy đủ chứng cứ thì đều có thể yêu cầu bồi thường", luật sư Út nói.

Khó truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Thiệp cũng đánh giá, việc bán hàng không đúng theo chất lượng công bố như trường hợp của công ty URC cũng có thể xếp vào tội lừa rồi khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

"Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở đây sẽ khó vì phải tìm ra ai là người chịu trách nhiệm hay thiếu trách nhiệm, lợi dụng quyền hạn, chức vụ để xảy ra việc này.

Trong khi đó, ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh này lại chưa có đăng ký rõ ràng với cơ quan quản lý Nhà nước", ông thông tin.

Kho hàng sản phẩm C2, Rồng đỏ bị thu hồi, tiêu hủy. Ảnh: Người đưa tin

Luật sư Phạm Hương Giang (Hà Nội) cũng cho biết thêm, ngoài người tiêu dùng thì các đối tác, đại lý, đơn vị cung ứng hàng của URC cũng có thể khởi kiện công ty này trong sự việc C2, Rồng đỏ vượt ngưỡng chì cho phép.

Cụ thể, các đối tác, các doanh nghiệp, các đại lý, các bạn hàng tiêu thụ của Rồng đỏ, C2 rất dễ kiện URC bởi họ sẽ có những phiếu hóa đơn nhập hàng, xuất hàng hoặc hóa đơn thanh toán tiền.

"Như vậy, họ sẽ chứng minh được các sản phẩm không đảm bảo chất lượng của URC làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ và doanh thu của họ và với hậu quả như vậy, URC cần phải bồi thường", luật sư Giang nhấn mạnh.

Cùng trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay: Theo các quy định hiện hành của pháp luật, người tiêu dùng có quyền được bồi thường và có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.

Trong vụ việc của công ty URC thì về nguyên tắc, người tiêu dùng phải được bồi thường khi mua phải sản phẩm C2 và Rồng Đỏ thuộc hai lô nhiễm chì bị tiêu hủy.

Tuy nhiên, để khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa và đòi bồi thường cho từng cá nhân, ông Hùng cho rằng, không đơn giản, bởi từng người tiêu dùng mua số lượng ít, mua lẻ và hiện đã sử dụng hết, việc đánh giá ảnh hưởng với sức khỏe từng người là khó khăn.

Từ thực tế vụ việc này, ông Hùng cũng đưa ra đề xuất nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng và sẽ giúp việc bồi thường cho người tiêu dùng được tốt hơn.

Theo Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh