CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:14

Lo ngại không có lương khi nghỉ hưu

Tin tưởng vào chương trình hưu trí cá nhân

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC cho thấy, khoảng 2/3 (66%) người trong độ tuổi lao động lo ngại họ sẽ không còn đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày lúc về hưu và 69% lo sợ họ sẽ cạn nguồn tài chính.

Nỗi lo lắng này sẽ trở thành sự thật khi người lao động bước vào độ tuổi về hưu và nhận ra họ đang đối mặt với sự thiếu hụt lớn trong khoản tiền tiết kiệm.

Tuy nhiên, theo khảo sát, những người trước tuổi về hưu đang ứng phó với tình huống này, họ hoạch định các nguồn tài chính bổ sung cho quỹ hưu trí của họ bằng các phương pháp tiết kiệm mới.

Hơn một nửa những người đang trong độ tuổi lao động vẫn tin tưởng vào các chương trình hưu trí cá nhân (62%) và các chương trình hưu trí của bên sử dụng lao động (57%) trong việc tạo ra nguồn thu nhập khi về hưu.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại mối lo ngại cho rằng, nguồn quỹ này có thể không đủ mang lại cuộc sống về hưu an nhàn, điều đó thôi thúc nhiều người tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác.

Người dân Indonesia cất giữ vàng để tiết kiệm khi về hưu.

Người dân Indonesia cất giữ vàng để tiết kiệm khi về hưu.

Sống tiết kiệm khi về hưu…

Khảo sát của HSBC lấy ý kiến của hơn 16.000 người trên thế giới, cho thấy việc sở hữu tài sản thứ hai đang là một lựa chọn phổ biến để bổ sung thêm vào nguồn quỹ hưu trí.

Cụ thể tại châu Á, tương ứng 71% và 35% người lao động đã sở hữu hoặc có kế hoạch sở hữu tài sản thứ hai tại quê hương họ và ở nước ngoài. Chín trong mười người lao động tại Indonesia (90%) và tại Ấn Độ (87%) có kế hoạch hỗ trợ nguồn quỹ hưu trí của họ bằng việc sở hữu tài sản thứ hai trong nước.

Điều thú vị là các nguồn quỹ bổ sung không theo truyền thống đang trở nên được ưa chuộng; 52% người lao động trên thế giới và 62% người lao động tại châu Á có kế hoạch trông cậy vào lợi nhuận từ vàng, trang sức quý, hoặc kim cương để hỗ trợ cho cuộc sống về hưu của họ.

Tỷ lệ người lựa chọn trang sức quý, kim cương và vàng cao nhất là 92% tại Indonesia, tiếp theo là 86% tại Ấn Độ và 76% tại Malaysia. Lần lượt gần 1/3 (28%) và 1/4 (25%) người lao động tại châu Á đã sở hữu hoặc có kế hoạch sở hữu đồ cổ và tranh vẽ để chuẩn bị cho quỹ hưu trí của họ so với tỷ lệ trung bình toàn cầu lần lượt là 24% và 22%

.… Nhưng không dễ !

Người lao động ở châu Á có kế hoạch để dành trung bình 25% trên tổng thu nhập cả năm cho hưu trí, cao hơn ở Anh (11%), Mỹ (14%) và các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (11%), theo khảo sát. Con số này đạt mức cao nhất 31% ở Hồng Kông, sau đó là Đài Loan 30% và Singapore 29%.

Tuy nhiên, tiết kiệm đủ cho một cuộc sống dễ chịu sau này là điều khó khăn, theo kết quả của báo cáo. Khả năng để dành cho hưu trí của người lao động tiếp tục bị đe dọa bởi ảnh hưởng lâu dài của suy thoái kinh tế và những sự kiện phát sinh trong cuộc sống.

Hơn 8/10 (83%) người lao động ở châu Á cho rằng, suy thoái kinh tế và những sự kiện khác trong cuộc sống, như mua nhà và đầu tư giáo dục cho con cái, có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiết kiệm cho hưu trí. Hơn 1/3 (37%) những người trước độ tuổi về hưu ở châu Á ngừng hoặc giảm việc để dành cho hưu trí trong suốt thời gian khủng hoảng.

 Khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh đến việc tiết kiệm cho tuổi hưu và tác động này sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.

Giang Đông

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh