Lo lắng nhân viên y tế bị lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân Coronavirus, Mỹ trang bị robot trực tiếp điều trị thay thế con người
- Y học 360
- 18:24 - 24/01/2020
Theo tin tức mới nhất của Bộ Y tế Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện tại đã có 830 người dương tính với Coronavirus Vũ Hán được xác nhận tại Trung Quốc, trong đó có 26 trường hợp đã tử vong.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng xác nhận trường hợp thứ 2 nhiễm virus. Hiện tại Mỹ cũng đã phát hiện ra một người có những triệu chứng gần giống với nhiễm Coronavirus. Đó là một người đàn ông 30 tuổi, ngày 19.1 đã đến bệnh viện và nói với nhân viên y tế rằng bản thân đang rất lo lắng về việc có những triệu chứng như bị viêm phổi, vì anh vừa mới từ Vũ Hán quay trở về Mỹ.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết người đàn ông này đã tới sân bay quốc tế Seattle – Tacoma vào ngày 15.1, trước khi Mỹ phát thông báo mọi công dân đều phải kiểm tra sức khỏe khi nhập cảnh.
Mặc dù chỉ mới trong trạng thái nghi ngờ bị lây nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, sức khỏe vẫn trong ổn định nhưng người này vẫn bị cô lập. Anh được nằm trong một chiếc giường hộp kín mít gọi là ISOPOD và nằm trong khu vực cách ly rất xa khu vực đông đúc của bệnh viện.
Tiến sĩ George Diaz, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế vùng Providence ở Everett, Washington cho biết: "Để tránh tình trạng nhân viên bị lây nhiễm bệnh khi chăm sóc bệnh nhân, robot đã được thay thế để điều trị trong một số công đoạn. Robot sẽ được trang bị ống nghe, giúp bác sĩ trực tiếp biết được tình trạng nhịp tim, sức khỏe của bệnh nhân và liên lạc thông qua một màn hình lớn".
Tiến sĩ Diaz còn nói thêm: "Các nhân viên điều dưỡng trong phòng di chuyển robot xung quanh để chúng tôi có thể nhìn thấy bệnh nhân trong màn hình và nói chuyện với anh ta".
Trao đổi thêm với kênh CNN, tiến sĩ Diaz cho biết bệnh nhân sẽ tiếp tục theo dõi thêm và chưa xác định rõ khi nào sẽ xuất viện. Các bác sĩ đang theo sát tình hình để kiểm tra chính xác bệnh nhân không còn lây nhiễm.
Khoảng 2 tuần trước, bệnh viện đã thử nghiệm phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm cao như MERS và Ebola. Phía bệnh viện cũng đã có những thay đổi sau khi dịch Ebola bùng phát.
"Đó là lý do tại sao chúng tôi sử dụng robot để điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Đây là cách có thể cách ly mà không truyền virus cho bất kỳ ai", tiến sĩ Diaz trao đổi với trang CNN.
Các quan chức y tế tiểu bang Washington xác nhận tính tới ngày 22.1 vừa qua, đã có 43 người "tiếp xúc gần gũi" với bệnh nhân. "Tiếp xúc gần gũi" có nghĩa là bất cứ ai tương tác trong vòng từ 1-2 mét hoặc trong một thời gian tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của bệnh nhân.
"Hiện tại, mức độ nguy hiểm thực sự của Coronavirus Vũ Hán vẫn chưa được xác định rõ ràng, các số liệu chính thức có thể đánh giá thấp vì những triệu chứng nhẹ hoặc trường hợp khởi phát chậm sẽ không được phát hiện", một nhóm các nhà khoa học cho biết.
Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết còn quá sớm để tuyên bố Coronavirus là tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế.
Theo CNN