THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:21

Lo cho dân trước, trụ sở làm sau!

 * Phóng viên: Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội (QH) kỳ họp này nêu rõ ngân sách trung ương thâm hụt, khó khăn. Vậy quan điểm của Chính phủ như thế nào trước việc một số địa phương xây trung tâm hành chính (TTHC)  hàng ngàn, thậm chí cả chục ngàn tỉ đồng, thưa phó thủ tướng?

- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tinh thần chung trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay và những năm tới là phải tiết kiệm triệt để. Bây giờ không có cách nào khác là phải thắt lưng buộc bụng, ngay cả việc xây trụ sở làm việc.

Một số địa phương vừa qua đã xây hoặc chủ trương xây TTHC cấp tỉnh trên tinh thần tự cân đối ngân sách địa phương, bằng nguồn vốn từ việc đấu giá trụ sở cũ. Nhưng tôi nói rõ nguồn thu này cũng là ngân sách nhà nước. Việc đấu giá trụ sở cũ một số nơi đã làm và có hiệu quả. Nhưng để biết cách làm này có hiệu quả toàn bộ hay không thì cần tổng kết để có đánh giá chính xác.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cần phải tiết kiệm chi tiêu, tập trung lo cho dân trước rồi mới tính chuyện xây trụ sở làm việcẢnh: NGUYỄN THẾ

* Các đại biểu QH đề nghị trong đầu tư công phải có nguồn đầu tư phát triển và thay vì xây TTHC tốn cả chục ngàn tỉ đồng thì nên dành vốn ấy để làm hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học…?

- Chính phủ đã chỉ đạo rồi, phải tập trung nguồn để đầu tư và thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Lần này cân đối ngân sách cũng đưa nguyên tắc đó vào. Thậm chí Chính phủ, QH còn đề xuất mạnh mẽ hơn là phải thanh toán xong nợ cũ mới được bố trí vốn để đầu tư công trình, trụ sở mới, kể cả nguồn địa phương tự cân đối được.

Trên thực tế, có địa phương ngân sách dồi dào nhưng thay vì xây trụ sở mới họ đã lo các vấn đề cho dân trước như đầu tư vào nông thôn, trường học, bệnh viện rồi mới đến đô thị. Điển hình như cách làm của tỉnh Bình Dương, rất đáng hoan nghênh. Theo tôi, chủ trương lo cho dân trước, xây trụ sở sau là rất nên làm và nhân rộng.

* Thưa phó thủ tướng, vấn đề là nhiều địa phương đang xin ngân sách trung ương để xây TTHC. Điển hình như Hải Phòng dự kiến xây trụ sở gần 10.000 tỉ đồng nhưng chỉ cân đối được 3.000 tỉ đồng, còn lại 7.000 tỉ đồng xin trung ương?

- Pháp luật hiện nay quy định rất cụ thể việc này. Dù với lý do gì thì địa phương phải cân đối được nguồn xây dựng trụ sở hay bất cứ công trình nào. Luật Đầu tư công quy định rõ không có chuyện địa phương quyết định rồi trung ương phải đầu tư, phải thực hiện theo nguyên tắc đó. Nghĩa là địa phương, bộ ngành phải cân đối được nguồn bảo đảm, kể cả nguồn trung ương phải được trung ương đồng ý thì mới quyết định được.

Trước đây chưa có Luật Đầu tư công, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 15-10- 2011) về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu cũng quán triệt rõ yêu cầu này. Thậm chí, nếu sử dụng vốn ngân sách trung ương nhiều thì dự án phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định cả tổng mức đầu tư dự án. Sau khi thẩm định, nếu trung ương đồng ý cấp cho phần chênh lệch thì mới được xây. Việc này làm rất chặt để không có chuyện địa phương bảo quyết xong rồi trung ương phải chi theo. Các dự án khác cũng vậy chứ không riêng việc xây trụ sở.

* Trong các cuộc họp gần đây của Thường trực Chính phủ, Chính phủ có nói đến chuyện nhiều địa phương đồng loạt đề nghị được xây TTHC mới, thưa phó thủ tướng?

- Chính phủ cũng có bàn đến việc xây TTHC của các địa phương và yêu cầu lập quy hoạch để quản lý.

Ông Lê Nam, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa:

Chính phủ cần có quy định cụ thể

Việc xây TTHC tập trung gắn với nâng cao hiệu quả cải cách hành chính là cần thiết nhưng trong tình hình thắt chặt chi tiêu như hiện nay thì phải xem lại. Thứ nhất, phải tính hệ thống công sở đã đầu tư xây dựng mấy chục năm qua còn dùng được hay không vì có nơi khi xây TTHC mới xong thì trụ sở, cơ sở vật chất của các sở, ngành để lại có giá trị hàng trăm tỉ đồng lại để không, vô cùng lãng phí. Mặt khác, việc xây trụ sở liệu có bảo đảm được sự thống nhất. Hiện chưa có quy định TTHC thì phải như thế nào, trụ sở tỉnh này có phải giống tỉnh khác?...  Đó là khoảng trống pháp luật cần điều chỉnh, không để mỗi địa phương tự ý xây theo số lượng tiền bạc, kiến trúc không giống nhau.

Chính phủ cần có quy định cụ thể về mô hình TTHC cấp tỉnh. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng có tỉnh xây TTHC vài trăm tỉ đồng cũng xong mà có tỉnh vài ngàn tỉ đồng vẫn không đủ.

B.Trân ghi

Theo THẾ DŨNG/Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh