THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:41

Lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội có những chuyển biến tích cực

 

CPI tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có chuyển biến tích cực (trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn). Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019. 

 

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%.

Đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục khởi sắc, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư đáng tin cậy. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng hơn 27%.

Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.

Lĩnh vực lao động, việc làm; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân; văn hóa thể dục thể thao; thông tin, truyền thông được quan tâm thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Đời sống dân cư dược cải thiện. Quốc phòng, an ninh ổn định.

 

Kiên định mục tiêu nhiệm vụ nhất là kịch bản tăng trưởng đã đặt ra

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra những khó khăn của nền kinh tế, như giải ngân vốn đầu tư công chậm; sản xuất nông-lâm nghiệp thủy sản khó khăn và nhất là dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng, tác động lớn tới ngành chăn nuôi; số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản còn lớn. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, giết người man rợ... tạo tâm lý lo ngại trong xã hội.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế -xã hội biến đổi nhanh, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng tư lệnh ngành luôn chủ động ứng phó với tình hình thực tiễn trong điều kiện tiềm lực, khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn thấp. Điều này đặt ra thách thực lớn trong chỉ đạo điều hành của chính phủ. Quan điểm của Thủ tướng là: “Cương quyết không lùi bước trước những khó khăn, thách thức và biến thách thức trở thành cơ hội. Kiên định mục tiêu nhiệm vụ nhất là kịch bản tăng trưởng đã đặt ra với tinh thần đoàn kết sáng tạo”.

Để giải quyết vấn đề rủi ro tỷ giá, lãi suất, bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ, trong đó, tỷ giá nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh; giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục xu hướng biến động mạnh, lúc lên lúc xuống thất thường Thủ tướng yêu cầu: “Tất các Bộ trưởng, trưởng tư lệnh ngành phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động”.

Về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, người phát ngôn Chính phủ cho hay, Thủ tướng tiếp tục giao Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng với cả hệ thống chính trị, huy động các cơ quan, từng gia đình, từng thôn xóm... vào cuộc dập dịch; xử nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ gia súc làm lây lan dịch bệnh. Đồng thời, đưa ra các giải pháp để ngăn chặn dịch lây lan, dập dịch và tái đàn. Nếu dịch tả châu Phi ảnh hưởng đến 30% đàn lợn thì tăng trưởng trong nông nghiệp là bằng 0; nếu ảnh hưởng đến 50% thì nông nghiệp sẽ bị âm. Xuất khẩu một số lĩnh vực tăng chậm lại.  

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện và một số danh mục công trình có tiến độ chậm. Thủ tướng chỉ đạo, các Bộ trưởng, trưởng tư lệnh ngành, Chủ tịch UBND tỉnh đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhất là những công trình, dự án trọng điểm cần công khai kết quả thực hiện.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, vấn đề thứ 4 là Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy sản xuất đặc biệt là khối công thương, nông nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa du lịch…. Thủ tướng chỉ đạo cụ thể một số dự án trọng điểm: dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai); dự án cao tốc Bắc Nam …

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động ứng phó tác động cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung diễn biến khó lường và OECD nhận định, nếu tiếp tục kéo dài và Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì GDP của Mỹ có thể giảm 0,6%, của Trung Quốc giảm 0,8%, thương mại toàn cầu giảm 1% và GDP toàn cầu giảm 0,4%.

Về cải cách hành chính, cải cách điều kiện kinh doanh, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết,Thủ tướng yêu cầu đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cấp, các ngành nhằm tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế. Thủ tướng giao tổ công tác của Chính phủ tập trung kiểm tra cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục quyết liệt cắt giảm các thủ tục không cần thiết, công khai rõ ràng để người dân và doanh nghiệp biết.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, ngày 30/5, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với 13 bộ về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, các đề án, nhiệm vụ nợ đọng. Hiện còn nợ đọng 6 văn bản quy định chi tiết, giảm 2 văn bản so với tháng trước. Còn 7 văn bản chưa trình ban hành để có hiệu lực từ 1/7/2019, giảm 8 văn bản so trước khi Tổ công tác kiểm tra (có 5 Bộ nợ 15 văn bản chưa trình). Trong 5 tháng đầu năm (tính đến 20/5), các Bộ còn nợ 42/123 đề án trong chương trình công tác, sau khi có văn bản đôn đốc của Tổ công tác, các Bộ đã trình được 13 đề án, hiện còn nợ 29 đề án. Về nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác đẩy mạnh kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ được giao của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; báo cáo công khai tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh