Mong mỏi có một cây cầu bắc qua khúc sông Đakrông chỉ rộng ngót 20 mét ấy mà từ bao đời nay đối với đồng bào Vân Kiều ở bản Cu Pua, xã Đakrông của huyện rẻo cao Đakrông (Quảng Trị) chỉ là điều ước xa vời vợi.
Hằng ngày 88 học sinh ở bản Cu Pua phải bất chấp nguy hiểm dò dẫm, đu bám bước đi trên chiếc cầu tự chế bằng sợi dây cáp để vượt qua dòng sông Đakrông chảy xiết trong mùa mưa lũ để đến trường mà ít khi có người lớn đi cùng. Không kể nắng mưa, việc đi qua lại trên con sông này của các em nhỏ từ 6 đến 13 tuổi ở bản phải tự lo liệu. Em Hồ Thị Hoa, học lớp 8 nói rằng mỗi khi em đi học qua cầu treo em rất sợ, nhưng cố liều mà đi, không đi thì mất chữ
chú ơi!
Đối với dân bản Cu Pua, mọi sinh hoạt hàng ngày, xuống nương lên rẫy trồng lúa nhổ khoai tất tật phải gùi cõng đi về trên chính sợi dây cáp hiện đã xù xì hoen gỉ. Chị Hồ Thị Vĩ than vãn: “Mỗi lúc nước to, miềng qua lại quá khó khăn, cái chân cứ như muốn tuột khỏi sợi dây cáp. Vào mùa thu hoạch sắn, nước dâng cao chảy xiết, miềng cũng phải nhắm mắt gùi cõng năm, sáu mươi chuyến
mỗi ngày”.Không chỉ những người dân Cu Pua gặp khó khăn khi qua về sông Đakrông bằng sợi dây cáp này mà người dân các bản khác lúc có công chuyện đi lại bản cũng phải đối mặt với nguy hiểm khi vượt sông. Trưởng bản Hồ Văn Nghên cho biết: “Đã có nhiều em học sinh rớt xuống sông khi đi qua dây cáp, nhưng may có người cứu kịp thời. Năm trước, ông Hô ở làng Cát cũng ở xã Đakrông này rơi xuống cây cầu bằng sợi dây cáp ni mà chết đó!. Không lên nương thì đói. Không đi học thì mù chữ. Chả lẽ bó gối trong xó tối góc bản à. Biết là nguy hiểm lắm, song phải liều mạng mà đi thôi”.
Các em học sinh bản Cu Pua và người dân qua sông bằng sợi dây cáp.ẢNH: H.T
Ngày 6/12, trao đổi về “ chiếc cầu dây cáp Cu Pua”, Chủ tịch UBND xã Đakrông Trần Văn Chạy, bày tỏ: “Chiếc cầu này không đảm bảo về mặt kỹ thuật mà do người dân nơi đây tự phát làm để… tự cứu mình, có thể nói là rất nguy hiểm, đặc biệt là về mùa mưa lũ nước. Chúng tôi đã kêu cứu lên trên không biết bao nhiêu bận rồi mà vẫn chưa tới đâu cả, vẫn chưa nhận được tín hiệu hồi âm”.
Chia sẻ quanh chuyện đám học trò tội nghiệp ngày ngày đánh đu trên chiếc cầu bằng sợi dây cáp ở bản Cu Pua, xã Đakrông, ông Nguyễn Đức Hà, Giám đốc Ban dự án xây dựng Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị cho hay: Theo kế hoạch của Bộ GTVT, Quảng Trị là 1 trong 50 tỉnh đã đăng ký vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư cho hợp phần cầu, gọi là cầu dân sinh. Tỉnh đã chỉ đạo, Sở GTVT kiểm tra các vị trí cần lập cầu dân sinh và đã đăng ký với Bộ GTVT và Ban quản lý Dự án 6, tổng thể là 62 cầu.
Với điều kiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như vậy, với nguồn vốn WB như vậy, Sở cũng đã chủ động đi kiểm tra thực địa và đã lập sơ bộ về thiết kế trình ra Ban 6, để chuẩn bị đưa vào hợp phần cầu. Hợp phần cầu là của Tổng cục Đường bộ quản lý, đường do tỉnh quản lý đầu tư. Tổng cục Đường bộ đang chỉ đạo Ban 6 lập cơ chế quản lý về các cầu dân sinh, vậy khả năng đầu tư cầu dân sinh này vào khoảng cuối năm 2016...
“Chính quyền địa phương phải hướng dẫn cho bà con đi lại những vị trí dù có xa đi nữa cũng… phải đi, không nên bắc cầu tre lắt lẻo hoặc dùng dây cáp qua sông suối hẻo lánh như thế này”, ông Hà nói.