THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:51

"Liệt sĩ" trở về sau 50 năm

 

Rạng sáng 11-7, xe chuyên dụng BKS 72A-001.42 của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất của Bộ LĐ-TB&XH (cơ sở đóng tại TT Long Hải, H. Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) ra đến địa phận thôn Hương Lam, hoàn tất hành trình đưa bệnh binh 1/3 Nguyễn Thị Ân trở về quê nhà trong sự ngóng đợi của người thân.

Theo ông Nguyễn Sa (1946, em chú bác với bà Ân), gia đình bà Ân có truyền thống cách mạng. Cha, anh trai, em gái đều đã hy sinh. Mẹ là bà Đinh Thị Nhiễu cũng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Tháng 5-1965, bà Ân thoát ly tham gia cách mạng làm ở Ban lương thực K600 tỉnh Quảng Đà. Lúc đó, đơn vị đóng quân ở khu vực Đồng Xanh - Đồng Nghệ nên bà Ân thỉnh thoảng còn liên lạc với gia đình. Cuối năm 1965, giặc Mỹ leo thang, các cơ sở cách mạng phải di chuyển lên núi hoạt động, gia đình bà Ân mất dần liên lạc... Bà Trần Thị Lụa (1940, người cùng làng) nhớ lại, năm 1972, trong thời gian ra Vĩnh Phú (Phú Thọ) học văn hóa, hai chị em đã nhiều lần gặp nhau. Bà nghe bà Ân kể chuyện quê hương bị chiến tranh tàn phá, người dân phải ly tán, gia đình chẳng biết ai còn ai mất. Còn bản thân bà Ân do bị sức ép của bom đạn nên được đơn vị đưa ra Bắc điều dưỡng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, sức khỏe bà Ân suy sụp, có biểu hiện tâm thần nên phải chuyển đi điều trị nhiều nơi. Năm 1974, bà Lụa trở vào Nam công tác nên không còn thông tin gì về bà Ân.

Ông Nguyễn Sa mãn nguyện khi đưa người chị họ trở về.

Ngày đất nước thống nhất, mặc dù với nguồn thông tin ít ỏi đó, nhưng gia đình, họ hàng vẫn lặn lội khắp nơi tìm kiếm thông tin bà Ân, đồng thời gửi đơn thư nhờ các cơ quan chức năng xác minh, giúp đỡ. Cuối năm 2006, gia đình nhận được Bằng "Tổ quốc ghi công" ghi nhận liệt sĩ Nguyễn Thị Ân đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nghĩ rằng bà đã hy sinh nên người thân yên lòng lập bàn thờ, chọn ngày 27-7 hằng năm cúng giỗ... Năm tháng trôi đi, nỗi nhớ bà Ân cũng dần nguôi ngoai thì bất ngờ xuất hiện thông tin "bà Ân còn sống". Không chỉ họ hàng, người thân mà cả thôn, xã đều bồn chồn chờ đợi...

Người mang đến tin vui đó là ông Nguyễn Ba (trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam), ngày 29-6, ông Ba tìm đến xã Hòa Khương trình bày, trong thời gian ông vào Bà Rịa-Vũng Tàu tìm người thân thất lạc thì biết được thông tin về bà Ân. Trung tâm Điều dưỡng tiếp nhận, chăm sóc bà từ miền Bắc chuyển vào năm 2004. Bà là người hiếm hoi còn lại mất liên lạc với gia đình. Sức khỏe bà giờ rất yếu, không còn nhận biết được xung quanh, không nói được... Thấy chuyện lạ lùng nhưng trong tim ông Sa, anh Nguyễn Nhứt (1968, cháu gọi bà Ân bằng cô ruột) như linh cảm điều hệ trọng, nên nhanh chóng dàn xếp chuyện gia đình đón xe vào miền Nam. Chiều 3-7, ông Sa, anh Nhứt mới đến được nơi, ông Sa nhận ra ngay một phần máu thịt của mình, ông lao đến ôm chặt thân thể yếu ớt của người chị họ đang ngồi ngơ ngác trên chiếc xe lăn, còn anh Nhứt chỉ biết gục khóc, bởi khi cô Ân thoát ly gia đình thì anh chưa chào đời...

Bà Nguyễn Thị Ân trong vòng tay chăm sóc của người thân.

Ông Sa cười mãn nguyện, dù đã 50 năm không gặp nhưng khi gặp lại tôi vẫn nhận ra chị, như thuở chị còn con gái ở nhà. Xúc động lắm. Khi ra đi chị mới 20 tuổi mà lúc về đã chừng này tuổi rồi. Nghe tin chị Ân còn sống, cả làng ai cũng mừng rơi nước mắt. "Thay mặt gia đình, dòng họ, tôi cảm ơn Trung tâm Điều dưỡng Long Đất, cảm ơn những người đã chăm sóc chị tôi trong suốt quãng thời gian dài bệnh tật. Khi về quê, Trung tâm lại còn tận tình bố trí xe đưa chị Ân và người thân về tận nhà", ông Sa nghèn nghẹn.

 Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng, anh Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương bày tỏ niềm vui về việc bà Ân còn sống trở về quê hương. Ngay khi biết chuyện, chính quyền và các đoàn thể của địa phương đã đến thăm hỏi, chia vui với gia đình; đồng thời, hướng dẫn gia đình làm đơn trình bày sự việc gửi UBND xã, nộp lại bằng Tổ quốc ghi công để địa phương có cơ sở báo cáo cấp trên giải quyết các bước tiếp theo. Gần cuối cuộc đời, bà Nguyễn Thị Ân, người được thông báo hy sinh ở chiến trường đã gặp lại những người thân của mình. Đằng đẵng nửa thế kỷ xa cách, giờ đây, bà Ân rất đỗi hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương của gia đình, bà con lối xóm. Ai cũng mong rằng, bà Ân sớm nhận được sự đãi ngộ xứng đáng cho những gì đã cống hiến để Tổ quốc được đơm hoa, kết trái như ngày hôm nay.

Theo Công an Đà Nẵng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh