Liên tục có clip học sinh đánh nhau: Có nên tăng nặng hình phạt?
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 19:56 - 26/10/2016
Liên quan đến tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng, bên hành lang Quốc hội ngày 25/10, trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Hà Nội) cho rằng: Bạo lực học đường gia tăng có 2 lý do.
Lý do thứ nhất, do thông tin của chúng ta hiện nay tốt hơn, có thể ngày xưa các em đánh nhau, chúng ta cũng không biết còn bây giờ lại khác. Và lý do thứ 2 là do vấn đề giáo dục và đạo đức từ gia đình mà chúng ta cần phải suy nghĩ.
Theo ông Hồng Hà, hiện nay có 2 luồng ý kiến, luồng thứ nhất là đề nghị mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với các em ở lứa tuổi 14 trở lên về cả tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, trong đó liên quan đến hành vi bạo lực học đường.
Quan điểm thứ 2, lại cho rằng chúng ta không nên mở rộng phạm vi xử lý, mà chỉ giới hạn trong 28 tội danh như dự thảo của luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự. Và cũng chỉ xét xử về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Ông Hồng Hà cho rằng, trước kia đạo đức và tình yêu thương con người khá hơn bây giờ. Điều này không chỉ riêng giáo dục mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như: sự quan tâm của gia đình với con cái bây giờ có vẻ như ít hơn ngày xưa do bố mẹ bận bịu làm ăn; cách giáo dục, dạy dỗ con cái bây giờ cũng khác xưa...
Ông Hồng Hà chia sẻ: Ngày xưa con cái trưởng thành từ những lời ru của bà, của mẹ. Chính lời ru đó đã tạo cho đứa trẻ có tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người. Bây giờ trẻ sinh ra ít nghe hát ru mà thay vào là cách dạy dỗ hiện đại hơn chẳng hạn như: khi ăn bột chúng ta lại mở tivi cho các cháu xem phim hoạt hình có những hành động mạnh quá với lứa tuổi của các bé. Đấy cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường sau này.
Để hạn chế tình trạng bạo lực, nhất là bạo lực học đường, theo ĐB Hồng Hà là phải từ tổ ấm gia đình. Gia đình vẫn phải tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp từ cha ông, chúng ta dạy cho các em ngay từ khi đứa trẻ trong bụng mẹ. Khi lớn lên cha mẹ gần gũi, yêu thương con cái. Bằng tình yêu thương con cái, con cái sẽ có tình yêu thương cha mẹ, yêu thương người thân trong gia đình, từ đó mới yêu thương ngoài xã hội. Gia đình chính là tế bào của xã hội. Gia đình tốt, xã hội mới tốt.
“Đến bây giờ, mỗi khi nghe lời hát ru, tôi vẫn cảm thấy thích thú. Lời ru đó nó giúp con người sống với nhau tốt đẹp và có lòng nhân ái hơn. Những đứa trẻ hay gây rối hoặc bạo lực thường gặp ở những gia đình bị “khiếm khuyết”, không hạnh phúc, chia tay hoặc thậm chí trong gia đình có tình trạng bạo lực.
Chính những người gần gũi nhất, những người mà mình yêu thương nhất đã làm cho các em mất niềm tin. Và khi mất niềm tin là mất tất cả”- ông Hồng Hà chia sẻ.