CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:53

Liên tiếp nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng ma túy đá

Xuất hiện ở nước ta từ những năm 2006, 2007, ma túy đá đang trở thành hiểm họa khôn lường bởi độ phê, độ ảo của nó gấp nhiều lần so với thuốc lắc, ketamin… Mới đây, tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), đã có liên tiếp 2 ca tử vong vì ngộ độc cấp tính loại ma túy đá dạng mới. Nếu như trước đây các ca nhập viện vì ma túy đá chỉ yếu bệnh nhân loạn thần, ảo giác, kích thích không ghi nhận tử vong, thì hiện nay bệnh nhân nặng hơn, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, huyết áp, đe dọa tính mạng. Tương tự, tại nhiều bệnh viện khác cũng có thông báo ghi nhận về tình trạng ngộ độc này.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, những năm gần đây, tình trạng các ca ngộ độc ma túy tổng hợp như: Amphetamin và các chất cùng loại, lá khát, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) có phần nhiều lên. Các trường hợp vào viện chủ yếu là người trẻ, thanh niên, cả học sinh sinh viên. Nhất là loại ma túy amphetamin tồn tại dưới dạng kẹo, đá, lắc rất nguy hiểm. Tại bệnh viện đang có hai trường hợp rất nặng, trong đó bệnh nhân nam 41 tuổi được chuyển đến từ Hải Dương ngày 6/1, có tiền sử dùng ma túy đá 4 năm. 
Liên tiếp nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng ma túy đá (ảnh minh họa)
Trước đó tối ngày 5/1, người này đi chơi về và đóng kín cửa phòng. Sáng ngày 6/1, gia đình gọi nhiều lần không thấy trả lời nên phá khóa cửa vào phòng thì hoảng hốt thấy anh này đang lên cơn vật vã và môi tím tái, co giật nên đã vội vàng đưa nam đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạnh đã ngừng tim. Sau khi cấp cứu, tim bệnh nhân đập trở lại, các bác sĩ tuyến dưới đã chuyển nam bệnh nhân đến Trung tâm chống độc để tiếp tục điều trị trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim, suy thận, rối loạn đông máu. Đặc biệt bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, với ít nhất 3 vị trí tắc mạch vành hoàn toàn và bác sĩ tim mạch phải hỗ trợ với các bác sĩ Trung tâm chống độc để điều trị và “thông” vị trí tắc của tim. Tuy nhiên hiện tại bệnh nhân vẫn đang tiếp tục bị tổn thương cơ tim, tổn thương não rất nặng.
Bệnh nhân còn lại là nữ 16 tuổi Trần Thị Cẩm T. (Kiên Giang), được chuyển đến Trung tâm chống độc tối ngày 4/1 từ Hòa Bình, cũng trong tình trạng ảnh hưởng tim mạch nặng nề do dùng ma túy đá. Sau nhiều ngày điều trị, hiện bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã tiến triển lên nhiều.Tuy nhiên, bệnh nhân này cần được theo dõi chức năng tim mạch.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, đây là những trường hợp điển hình của ngộ độc cấp tính ma túy dạng kích thích. Nghiên cứu trên thế giới, bệnh nhân bị co mạch, loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim hầu do ma túy đá và trên 60% tử vong do loại ma túy này là do tác động lên hệ tim mạch. Nhất là loại ma túy amphetamin tồn tại dưới dạng kẹo, đá, lắc rất nguy hiểm. Đây không chỉ là một chất độc cấm được dùng trong y tế, mà việc sản xuất cũng có nhiều thành phần phức tạp, khó kiểm soát liều lượng, dùng bừa bãi nguy cơ đe dạo trực tiếp đến tính mạng.

Ma túy đá cực kỳ nguy hiểm, gây ảo giác mạnh khiến cho người sử dụng có những hành vi rất nguy hiểm cho xã hội (trong ảnh một trường hợp “ngáo đá cố thủ trên cột điện)

Đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm gần đây, người nghiện có xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) ngày càng tăng, gây ra hậu quả khôn lường vì nó gây rối loạn tâm thần, ảo giác, hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật như chém giết người vô cớ, cưỡng đoạt tài sản, cuồng dâm… Nguy hiểm hơn, một số loại ma túy mới xuất hiện có chất hướng thần với mức độ nguy hại cao được ngụy trang bằng các tên gọi khác nhau như “cỏ Mỹ”, “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “bánh lười”, “mặt quỷ”… đặc biệt là “lá khát” có mức độ độc hại gấp 500 lần so với ma túy thông thường. 
Trên thực tế hiện nay, những ca ngộ độc những do sử dụng ma túy mới (là ma túy tổng hợp) như Amphetamin và các chất cùng loại, lá Khat, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) ngày càng tăng. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh.
 Bà Đặng Thị Minh Thư, quản lý truyền thông Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, độ tuổi sử dụng ma túy đá tại 3 thành phố lớn đang trẻ hóa. Tuổi trung bình sử dụng ma túy tại Hà Nội và Hải Phòng là 16, trong khi tại TP.HCM là 17. Độ tuổi bình quân sử dụng ma túy đá tại Hà Nội và TP.HCM là 18, còn tại Hải Phòng là 17. Đáng chú ý, có tới 30 - 40% vị thành niên từ 13 tuổi trở lên sử dụng ma túy đá. 
Theo các bác sĩ, ma túy thế hệ mới thường gây ra các triệu chứng nhiễm độc thần kinh, tim mạch, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, thận. Bệnh nhân chỉ đến viện khi các biểu hiện vượt quá giới hạn chịu đựng, như co giật, kích thích, vật vã không kiểm soát được… Bệnh viện cũng chỉ là nơi điều trị triệu chứng, còn để cách ly được với nguồn chất gây nghiện cần sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và chính bản thân người nghiện.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh