THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 01:41

Liên kết vùng: Tạo thị trường cho đặc sản Việt

Loay hoay tìm lối ra

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, từ năm 2008, nước ta đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia. Trong tình hình Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với Cộng đồng Asean và thế giới, vấn đề liên kết vùng cần được nâng cao, để đem lại sức cạnh tranh của các đặc sản vùng miền. Không chỉ thế, các mặt hàng đặc sản vùng miền đem lại thu nhập và việc làm cho trên 10 triệu lao động ở các vùng nông thôn, vì thế các địa phương cần có sự kết nối hiệu quả với nhau, kết nối giữa doanh nghiệp với người dân để giúp đầu ra cho sản phẩm đặc sản được ổn định, bền vững, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Mặc dù tiềm năng của đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn nhưng việc phát triển các sản phẩm này hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa có sự đánh giá xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài trên quan điểm xây dựng tiêu chí cho sản phẩm và thương hiệu đặc sản tại mỗi địa phương... Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương): “Các đặc sản vùng miền còn thiếu tính liên kết mang tính hệ thống trong việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm, thiếu sự đa dạng trong Thiết kế sản phẩm, đặc biệt là sự liên kết khu vực để xây dựng hệ thống phân phối tại thị trường trong nước cũng như quốc tế mà trong đó vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại rất quan trọng”. Cùng với đó, cần có các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quy mô quốc gia và tiến đến hội chợ vùng miền quốc tế để tạo thêm cơ hội thị trường cho các sản phẩm đặc sản. Thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối thông qua các trung tâm phân phối đặc sản vùng miền tại các thành phố lớn, các trung tâm du lịch... trên cơ sở liên kết các vùng miền.

Vải thiều, thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Thanh Hà, Hải Dương. 

Về điều này, ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của Yên Bái vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã được tỉnh Yên Bái, các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, song việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu thụ còn hạn chế, giá bán sản phẩm còn ở mức thấp so với thực tế.

Hiếm đặc sản được bảo hộ, sức cạnh tranh còn thấp

Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng, như: Nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, quế hồi Lạng Sơn, gạo tám Hải Hậu, chuối ngự Đại Hoàng... Tuy nhiên đến nay chỉ có số ít đặc sản địa phương được đăng ký bảo hộ sản phẩm tập thể, trong khi đây vốn là tiêu chí quan trọng để gia tăng nhận biết về sản phẩm tại các thị trường nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng, phân phối đặc sản vùng miền chưa chú trọng phát triển sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm... dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và các đặc sản còn thấp...

Đứng trên góc độ vĩ mô, theo ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, việc cần làm hiện nay là cần có kế hoạch rõ ràng và dài hạn với mục tiêu cụ thể, thay vì lập kế hoạch từng năm cho phát triển các đặc sản địa phương. Ngay như Hà Nội nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, vốn là mảnh đất trăm nghề, quy tụ được nhiều thợ thủ công tài giỏi, thế nhưng các làng nghề vẫn quá gian nan với nghề truyền thống, dù cho trong những năm qua, TP Hà Nội đã xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển làng nghề như: hỗ trợ vốn, vật tư, công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực cho các cơ sở sản xuất làng nghề...

Để xúc tiến thương mại liên tỉnh hiệu quả, ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn LeInvenst Corporation đề xuất, cần xây dựng mô hình công, tư trong xây dựng chợ đặc sản vùng miền. Trong đó, nhà nước đầu tư ngân sách quảng bá tuyên truyền, doanh nghiệp đầu tư xây dựng đặc sản, hệ thống bán hàng, phân phối, thu mua và cung ứng sản phẩm; địa phương đảm bảo hàng hóa đúng nguồn gốc. Xây dựng các nhà hàng sử dụng 100% các sản phẩm đặc sản địa phương như một điểm đến cho khách du lịch... Từ đó, ông Vinh khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Công Thương, TP Hà Nội và các địa phương trong việc liên kết để phát triển và bảo hộ thương hiệu đặc sản. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập thị trường chung và thực hiện các cam kết FTA, TPP, EAC... thương hiệu để nhận diện sản phẩm khi ra thị trường là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của một mặt hàng khi xuất khẩu.

Hội chợ đặc sản vùng miền 2015 do UBND TP. Hà Nội tổ chức tại Khu đô thị Royal City, (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), có quy mô hơn 200 gian hàng, thu hút 150 doanh nghiệp đến từ 40 tỉnh, thành phố. Hội chợ giới thiệu các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, kéo dài đến hết ngày 1/12/2015.

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh