Lên kế hoạch cuộc sống khi có người thân bị tai biến mạch não
- Y học 360
- 16:27 - 20/05/2021
Theo BS Trần Tất Đạt, việc lên kế hoạch nên sớm được lập ra trước khi người thân của bạn chuẩn bị rời khỏi bệnh viện hay trung tâm phục hồi chức năng. Kế hoạch này bao gồm đánh giá về sự hỗ trợ cho người thân của bạn như: Môi trường sinh hoạt, khả năng chăm sóc tại gia đình và tiềm năng phục hồi chức năng lao động. Người nhà cùng người bị tai biến và các nhân viên phục hồi chức năng có thể làm việc với nhau để lên kế hoạch phục hồi chức năng cho người bị tai biến sau khi ra viện.
Sau khi người thân của bạn trở về từ bệnh viện, bạn sẽ phải theo dõi thường xuyên các cuộc hẹn với bác sĩ hoặc các chuyên gia phục hồi chức năng. Mục đích của việc này là để theo dõi tình trạng và khả năng sử dụng các kỹ năng người bệnh học được trong quá trình hồi phục sức khỏe. Điều này cũng quan trọng đối với các bác sĩ để xác định những thay đổi của người bệnh và hướng điều trị.
Trước mỗi buổi tái khám hoặc phục hồi chức năng, bạn có thể chuẩn bị một danh sách tất cả mối quan tâm hoặc câu hỏi để hỏi bác sĩ. Điều này sẽ giúp ích cho việc chăm sóc người bệnh giai đoạn tiếp theo. Đảm bảo rằng người người bị tai biến có một nơi an toàn để sinh sống.
Cần xác định những điều kiện chăm sóc, hỗ trợ hoặc thiết bị đặc biệt cho người bị tai biến. Lên chương trình cho các dịch vụ phục hồi chức năng hoặc các dịch vụ khác tại nhà (chẳng hạn như mời một nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà). Lựa chọn cơ sở chăm sóc sức khỏe, nơi sẽ theo dõi sức khỏe và cung cấp các dịch vụ y tế cho người bị tai biến. Người trong gia đình cần học những kỹ năng cần thiết để chăm sóc hàng ngày và hỗ trợ tại nhà cho người thân.
Giúp người bị tai biến khám phá các cơ hội làm việc, hoạt động xã hội… (nếu có khả năng và quan tâm). Cần quan tâm tới đời sống tình dục của người thân. Nhiều người đã bị đột quỵ vẫn có thể tận hưởng đời sống tình dục tích cực. Nếu người bệnh đột quỵ được xuất viện về nhà, ngôi nhà cần được sắp xếp, thay đổi sao cho an toàn hơn đối với người bệnh, chẳng hạn như: sắp xếp lại phòng để người bệnh không phải sử dụng cầu thang, bỏ đi thảm và những đồ nội thất có thể gây nguy cơ trượt ngã, thiết kế các thanh vịn, chỗ ngồi trong bồn tắm và buồng tắm vòi sen…
Đối với một người sống sót sau khi bị đột quỵ, cuộc sống sẽ có rất nhiều thay đổi, cần những kỹ năng mới và điều kiện mới. Do bị đột quỵ, nhiều hoạt động sẽ không trở lại được như xưa. Điều này cũng đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi thành viên trong nhà và ai cũng sẽ phải thực hiện một vài điều chỉnh. Đó có thể là một thách thức về thể chất và tinh thần, cảm xúc cho cả gia đình.
Là một người chăm sóc, bạn có rất nhiều trách nhiệm mới và sẽ phải chuẩn bị để đối phó với sự căng thẳng, thậm chí cả khi các thành viên gia đình và bạn bè sẵn sàng giúp đỡ, xung đột về vấn đề chăm sóc có thể gây áp lực lên từng cá nhân. Học để đối phó với sự căng thẳng này là một phần quan trọng khi bạn chăm sóc cho người thân yêu của bạn. Hãy nhớ rằng bạn cần sự hỗ trợ, sự hiểu biết và thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.