Lên cơn đau ngực đột ngột, kèm triệu chứng khó thở dấu hiệu của bệnh động mạch vành
- Y học 360
- 09:25 - 09/11/2021
Nguyên nhân, đối tượng nguy cơ và dấu hiệu nhận biết
Thông tin từ bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) gần đây tiếp nhận điều trị cho người bệnh Nguyễn Văn E. (63 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nhập viện do lên cơn đau ngực đột ngột, kèm triệu chứng khó thở. Ông E. đã có tiền căn về tim mạch như suy tim, rung cuồng nhĩ đã chuyển nhịp, hẹp động mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường típ 2 và nhồi máu não cũ. Sau khi nhập viện, ông E. được chụp mạch vành và siêu âm trong lòng mạch, các Bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim cấp, có dấu hiệu tái tưới máu và bệnh một nhánh mạch vành.
Kết quả kiểm tra cho thấy ông E. bị hẹp 70% động mạch vành, mảng xơ vữa hỗn hợp gồm mô sợi và canxi bóc tách vào lớp nội mạc 1 góc 90 độ. Người bệnh được Bác sĩ tiến hành can thiệp bằng phương pháp đặt stent động mạch vành đồng thời kê toa thuốc điều trị. May mắn được chuyển đến bệnh viện kịp thời, ông E. hết đau ngực, khả năng gắng sức cải thiện. Sau gần 1 tuần theo dõi, ông được xuất viện, tình trạng sức khỏe ổn định.
GS TS BS. Trương Quang Bình – Phó Giám đốc BV, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TP.HCM cho biết, nguyên nhân gây bệnh động mạch vành chủ yếu là do xơ vữa động mạch. Đối tượng nào càng có nhiều yếu tố nguy cơ, khả năng mắc bệnh và bị tổn thương cho tác động của bệnh động mạch vành gây ra càng tăng lên theo cấp số nhân thay vì cấp số cộng.
Ba yếu tố nguy cơ không tác động được là giới tính (nam có xu hướng mắc động mạch vành cao hơn nữ), tuổi tác và tiền sử bệnh của người thân trong gia đình. Còn lại, nhóm yếu tố nguy cơ có thể tác động cần được cải thiện để giảm khả năng mắc bệnh bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động, uống nhiều rượu bia…
Theo ThS BS. Vũ Hoàng Vũ – Trưởng khoa Tim mạch can thiệp BV ĐHYD TP.HCM, triệu chứng thường gặp của bệnh động mạch vành được chia thành 2 dạng biểu hiện: mạn tính và cấp tính. Đối với hội chứng mạch vành mạn tính, tình trạng đau ngực sau xương ức do thiếu máu cục bộ thường xảy ra khi người bệnh gắng sức. Nếu mạch vành của người bệnh bị xơ vữa, hẹp nhiều, khi gắng sức sẽ bị đau thắt vùng ngực trái, lan lên hàm, vai trái và cánh tay trái, cơn đau kéo dài vài chục giây đến vài phút. Đối với hội chứng mạch vành cấp tính, mạch vành bị hẹp một cách đột ngột gây nhồi máu cơ tim. Người bệnh lúc này sẽ bị đau ngực nhiều, kéo dài trên 20 phút, vã mồ hôi hoặc ngất xỉu.
Khi xuất hiện các triệu chứng mạn tính, người bệnh cần sắp xếp thời gian đến thăm khám Bác sĩ để được kiểm tra cụ thể. Nguy hiểm hơn, đối với triệu chứng của bệnh mạch vành cấp, người bệnh cần được chuyển ngay đến bệnh viện để được cấp cứu và điều trị nhanh chóng. Thời gian tiếp cận chẩn đoán, can thiệp sẽ sớm giúp người bệnh giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành gây ra. Bốn biến chứng chính của bệnh động mạch vành gồm đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim và rối loạn nhịp tim. Các biến chứng càng nghiêm trọng thì càng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Lưu ý cho người bệnh động mạch vành trong thời điểm dịch bệnh COVID-19
GS TS BS. Trương Quang Bình cho biết, người bệnh tim mạch nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng là đối tượng người bệnh nền, có nguy cơ trở nặng gấp 5-10 lần nếu nhiễm COVID-19. Vì vậy, trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, người bệnh động mạch vành phải hết sức lưu ý thực hiện các biện pháp phòng dịch để đảm bảo sức khỏe. Về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, người bệnh động mạch vành không có bất kỳ chống chỉ định nào đối với việc tiêm ngừa. Do đó, ngoài các lưu ý về việc tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và xây dựng lối sống lành mạnh, người bệnh cần đảm bảo 5K và tham gia tiêm vắc xin đầy đủ theo yêu cầu để bảo vệ bản thân, tránh nguy cơ mắc COVID-19.
ThS BS. Vũ Hoàng Vũ lưu ý, người bệnh động mạch vành cần phối hợp với Bác sĩ để đảm bảo 2 mục tiêu chính, đó là cải thiện triệu chứng đau ngực và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng. Việc tuân thủ điều trị bằng thuốc, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện, giảm các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, béo phì, rượu bia… sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, vấn đề điều trị hậu COVID-19 đang được quan tâm. Đối với hệ thống tim mạch, ảnh hưởng chính của COVID-19 là tình trạng viêm cơ tim, tăng đông máu gây tắc các mạch máu trong hệ thống tim mạch. Nếu có các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, tức ngực… người bệnh đang điều trị hậu COVID-19 nên được Bác sĩ tim mạch đánh giá nguyên nhân để đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.