CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:52

Lập nghiệp bằng nghề nuôi ong mật

 

Nguyễn Văn Thi lấy mật và sáp ong vào mỗi buổi chiều.


Có duyên với… ong !

Sinh ra tại Bắc Giang, nhưng Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1983) lại chọn quê hương thứ hai của mình là Đắk Lắk để lập nghiệp. Học hết lớp 9, Thi cùng gia đình vào Đắk Lắk sinh sống. Cũng như nhiều thanh niên khác, Thi chăm chỉ làm kinh tế cùng gia đình, nhưng sau một thời gian thấy công việc nương rẫy vất vả, lại không mang lại hiệu quả kinh tế. Khi ấy, có người anh họ đang làm nghề nuôi ong lấy mật, Thi bắt đầu học hỏi và tìm hiểu về ong. Thế rồi, đàn ong như có sức hút khiến Thi mê mẩn lúc nào không hay.

Thi quyết định theo anh họ vừa làm phụ, vừa học cách nuôi ong mật, nhưng không dừng lại ở đó, Thi tìm đến những bậc thầy nhiều tuổi, có thâm niên lâu năm trong nghề nuôi ong mật để tiếp tục tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Sau 3 năm, Thi đã hoàn toàn tự tin và độc lập với những đàn ong mật của mình. 

 

Đôi tay của Thi nhẹ nhàng gỡ nhẹ từng phần sáp ong.


Quệt mồ hôi trên trán, đưa tay chỉ về phía để gần 700 thùng ong (đõ ong) xếp hàng thẳng tắp, đôi tay khéo léo của Thi lại mở nắp thùng và nhấc từng cầu ong ra để gỡ sáp, rồi lấy bình khói xịt vào để ong đỡ bay ra nhiều và không bị đốt. Vừa làm, Thi vừa say sưa nói về nghề nuôi ong mật của mình. Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm Thi lại di chuyển đàn ong ra Bắc và ở lại trong vòng 6 tháng, dựng lán trại ngay gần vườn để lấy mật vải, mật keo (mật keo mới được phát hiện, cây keo cho mật ở nách lá), thời tiết nóng, cây keo càng cho nhiều mật.

 

Những thùng (đõ) ong được đặt ngay ngắn dưới đồi keo.


Hết tháng 6 dương lịch, Thi chuyển đàn ong quay trở về Đắk Lắk, lấy hoa ngô, hoa lúa để tăng đàn, cho ong ăn bột và cho ong nghỉ ngơi, dưỡng sức. Đến tháng 11 tiếp tục di chuyển đàn ong đến các địa phương, như: Đồng Nai, Bình Dương, Sông Bé… để lấy mật cao su, điều, cà phê… Khi di chuyển đàn ong đi xa, lựa chọn thời tiết tốt nhất, kỹ thuật phải nắm được, như vậy không lo đàn ong bị “ốm”, đổ bệnh dọc đường. Sau những lần di chuyển xa phải để cho ong nghỉ dưỡng một tháng, rồi tiếp tục cho ong đi lấy mật.

 “Mê” ong, muốn được truyền nghề

Đưa mắt theo những đàn ong đang tìm đường về tổ, Thi tâm sự: Nghề nuôi ong mật rủi ro ít, không vất vả, nặng nhọc, nhưng việc luôn chân tay, cần phải có kỹ thuật, sự kiên trì và tỉ mỉ. Thường xuyên chú ý theo dõi để phát hiện xem đàn ong đang có nhu cầu gì, thiếu chất gì để kịp thời bổ sung. Ngót nghét 10 năm “ăn, ngủ” cùng với đàn ong nên Thi hiểu hết những tính nết, bệnh tật của ong. Do nắm chắc được kỹ thuật nên ong ít khi bị bệnh. Đặc biệt, loài ong rất chăm chỉ, hằng ngày từ 4 rưỡi sáng đến 8 giờ ong đi lấy mật rồi về nghỉ, buổi chiều từ 4 – 6 hoặc 7 giờ là kết thúc một ngày làm việc của đàn ong.

 

 

Bẻ thêm những cành củi khô cho vào bình xịt khói, Thi cho biết: Những thùng gỗ để nuôi ong được làm tất cả bằng gỗ sao suối, được ngâm nhiều năm nên mưa gió không ảnh hưởng. Trong mỗi thùng ong có 8 cầu, mỗi cầu cho 1 kg mật, cứ 10 ngày quay một lần. Với gần 700 thùng ong này, bình quân một vụ và một lần thu hoạch (một mùa) được 15 tấn mật, 1 năm có 4 mùa lấy mật, thu nhập  hơn 300 triệu đồng/năm. Sau những lần thu hoạch mật ong, Thi giao mật cho các công ty thu mua mật ong ở miền Nam, qua chế biến và xử lý Cty xuất khẩu mật ra nước ngoài và trong nước.

 

Hết một ngày "làm việc", đàn ong tìm về nhà của mình.


 Không giấu được niềm vui, Thi kể: “So với những “bậc tiền bối” nuôi ong ngày trước, bây giờ xã hội ngày một phát triển, qua ti vi, qua Internet, sách báo… thế hệ trẻ chúng em tiếp cận, học hỏi được rất nhiều thông tin về khoa học, kỹ thuật để giúp đàn ong phát triển tốt hơn, cho mật nhiều, mang lại thu nhập cao”.

Hiện tại gần 700 thùng ong Thi cùng 5 người nữa trông coi, chăm sóc và lấy mật. 5 người này đang theo Thi để học nghề và giúp việc, được Thi nuôi ăn hằng ngày và trả lương 3 triệu đồng/tháng. Trong những năm qua, Thi đã dạy cho 7 người biết nuôi ong và đã ra tự lập, Thi còn tạo điều kiện hỗ trợ cho mỗi người 20% con giống, vì một người học việc mới ra nghề, còn rất nhiều khó khăn… Nếu những ai muốn theo học nghề nuôi ong mật, nhưng phải thật sự tâm huyết, chịu khó theo đuổi, Thi rất sẵn sàng giúp đỡ và chỉ sau 2 năm có thể tự độc lập với đàn ong của mình.

 

Cho ong ăn.

 Thuận lợi và khó khăn

Nhìn túp lều căng tấm bạt tạm bợ nơi chân đồi ngay bên cạnh những thùng ong, tôi ngần ngại. Như đoán được ý của tôi, Thi nhanh nhảu: Cuộc sống của bọn em chỉ đơn giản như vậy, một túp lều che mưa, nắng, lấy chỗ nấu cơm và ngả lưng khi đêm về, vì không thể ở cách xa đàn ong. Điều thuận lợi nhất cho em là khi đến địa phương nào để liên hệ mượn địa điểm đặt những thùng ong thì đều được chính quyền nơi đó ủng hộ. Chỉ có một số ít bà con ở vùng Phó Thọ không hiểu, họ cho rằng ong mật sẽ phá hoại hoa màu, mùa màng nên họ xua đuổi và không ủng hộ, nhưng khi được cán bộ phòng Nông nghiệp đến giải thích thì họ đã hiểu ra và không còn gây khó dễ nữa. Bởi, chân của ong dính phấn hoa từ bông nọ lây sang bông kia, vì vậy người nông dân không phải tự đi thụ phấn, mà cây trái, mùa màng của họ cho năng suất cao hơn.

 

Kiểm tra thức ăn của ong.


Nhìn Thi chăm chút, cẩn trọng từng động tác với những thùng ong, tôi nghĩ, phải là một người biết yêu nghề, quí trọng, hiểu được những tính nết của từng con ong mới có niềm say mê như vậy.

Một chút băn khoăn: Liệu Thi có gắn bó với nghề nuôi ong này lâu dài? Thi tươi cười: Em sẽ không chọn nghề nào khác ngoài nghề nuôi ong này, chính đàn ong đã giúp em có được những gì ngày hôm nay, em nghĩ làm nghề nào cũng vậy, cái chính mình phải yêu nghề, phải có tâm nữa thì mọi khó khăn đều vượt qua và đi đến đích.

“Có hai điều em cố gắng thực hiện cho được. Thứ nhất, em muốn được trực tiếp giao mật ong cho các công ty, xí nghiệp thu mua ong lớn để xuất khẩu, chứ không phải giao hàng qua môi giới; thứ hai, sau này khi có điều kiện em muốn thành lập được Hợp tác xã ong mật, khi ấy em sẽ giúp đỡ được nhiều lao động ở nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, để họ không phải đi làm ăn xa gia đình”, giọng Thi rất quả quyết.

 

Căn lều di động của Thi.


Mặt trời khuất dần sau đồi keo, cũng là lúc đàn ong đi kiếm mật trở về ngày càng đông, điều kỳ lạ là các thùng nuôi ong đặt san sát nhau, nhưng đàn ong  không bị  vào “nhầm nhà”.

Tôi tạm biệt Thi - chàng thanh niên, từ lời nói đến từng động tác luôn nhẹ nhàng và cần mẫn như những chú ong. Mong cho ước mơ của Thi sớm trở thành hiện thực… 

Một số hình ảnh về đàn ong mật:

 

Sáp và mật ong sau khi được lấy ra khỏi "nhà" của ong.

 

Thi say mê bên đàn ong.

 

Nguyễn Văn Thi kiểm tra thức ăn cho ong.

 


Đõ ong sau khi được lấy sáp và mật.

 

 

Thi miệt mài bên những thùng ong.


CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh