CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:59

Lao ở trẻ em - những triệu chứng không thể chủ quan

Những triệu chứng không thể chủ quan

Đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nhung đang đồng hành cùng con chữa bệnh lao. Cũng may nhờ kịp thời phát hiện cộng với thể lực tốt nên con chị T đã hồi phục tốt sau gần 1 tháng điều trị lao phổi. Kể về quá trình con mắc bệnh chị Nhung chia sẻ: Cháu đang tuổi lớn, ăn uống cũng như vận động tốt nhưng cách đây hơn 1 tháng cháu có dấu hiệu mệt mỏi, thi thoảng sốt về chiều đặc biệt bị ho lâu ngày không khỏi dù đã uống kháng sinh. “Tôi cứ nghĩ cháu bị hậu do cúm A ( trước đó cả nhà chị  đều bị cúm A) nên chủ quan không cho con đi khám, chỉ mua thuốc về điều trị ở nhà đến khi tình trạng con bị mệt, sốt cao liên tục cho đi viện khám kết quả cháu bị lao phổi. Tôi nhận kết quả mà không tin vào mắt mình, tôi không thể tin con mình lại mắc lao phổi vì gia đình chưa từng có ai mắc hơn nữa các nguy cơ để bị mắc lao phổi con không hề phải tiếp xúc”, chị Nhung giãi bày.

Các bệnh nhi được chăm sóc và điều trị

Các bệnh nhi được chăm sóc và điều trị

Tương tự chị Lê Thu Hương không thể nghĩ cô con gái của mình lại mắc lao phổi khi mới 4 tuổi. Thấy con ho, sốt chị chỉ nghĩ con bị viêm họng nên đi mua thuốc kháng sinh về điều trị chỉ đến khi thấy con ho ra máu, sốt cao mới cho đi viện khám. Kết quả cho thấy con gái chị mắc lao phổi. “ Tôi không thể nghĩ con bị lao vì tôi nghĩ căn bệnh này chỉ xảy ra ở người lớn - những người dùng ma túy hay làm việc ở môi trường có nhiều khí độc, ẩm, bụi…Chỉ đến khi bác sỹ kết luận con bị lao phổi tôi mới tìm hiểu và thấy căn bệnh này giờ rất phổ biến do chính sự chủ quan của người lớn”, chị Hương chia sẻ.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số bệnh nhân lao mới trên người lớn vào năm 2021 tăng 3,6% so năm 2020. WHO ước tính số trẻ mắc lao chiếm khoảng 10-12% trong tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Theo đó, mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.

Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5 tuổi, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh. 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Phần lớn các trường hợp này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn. Trong khi đó, xét nghiệm chẩn đoán lao chủ yếu dựa trên xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao. Bên cạnh đó, triệu chứng lao ở trẻ em không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác.

Chương trình Chống lao Quốc gia mới chỉ thống kê được khoảng 10 đến 15% số trẻ mắc mới. Có thể rất nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện và điều trị. Hoặc không loại trừ có không ít trẻ mắc lao điều trị tại bệnh viện tư, cơ sở chuyên khoa nhi… mà chưa được báo cáo với chương trình chống lao quốc gia.

Tiêm phòng và khám sàng lọc là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bệnh lao

Tiêm phòng và khám sàng lọc là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bệnh lao

Cần hành động mạnh mẽ

Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao ở trẻ không khó điều trị, phác đồ ngắn hơn. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở trẻ khó hơn so với người lớn do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Đây chính là những thách thức lớn trong công tác sàng lọc lao ở trẻ em. Thực tế cho thấy, chỉ khi trẻ đã có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sút cân kéo dài… gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao. Về yếu tố lâm sàng, lượng vi khuẩn lao trong nước bọt, đờm của trẻ thường thấp khiến việc chẩn đoán lao cũng phức tạp hơn.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV...) cần được tầm soát và điều trị dự phòng lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70 - 80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh lao. Phụ nữ được xem là mắt xích rất cần thiết trong công tác phòng chống lao, bởi họ là những thành viên tích cực của công tác phát hiện bệnh lao và thanh toán nguồn lây.

Việc phụ nữ có hiểu biết, tham gia vào công tác truyền thông giúp người dân phát hiện lao sẽ giúp bảo vệ trẻ ngay từ trong gia đình. Để phòng bệnh cho trẻ, điều đầu tiên là cần bảo đảm tiêm đầy đủ vaccine phòng lao cho trẻ. Tuy nhiên, vắc xin phòng lao BCG có tác dụng nhất định trong dự phòng mắc lao nhưng hiệu lực bảo vệ không phải là 100% trong suốt cuộc đời. Do đó, cần phải nâng cao nhận thức của bố mẹ và gia đình về bệnh lao ở trẻ em để nhận biết các dấu hiệu từ sớm, đi khám và điều trị kịp thời, thậm chí có thể thực hiện sàng lọc lao định kỳ để loại trừ nguy cơ bệnh.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng, kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi người bệnh phát bệnh đến khi tử vong thì vi rút lao đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh