Lao động Việt Nam cần làm gì để thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0?
- Tây Y
- 05:38 - 07/05/2019
Theo đó, Việt Nam cần nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động để chuẩn bị cho nhu cầu nhân lực ngày càng gia tăng của các công ty tư nhân và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ông cũng đề cập đến những tác động của các hiệp định tự do thương mại lên thị trường lao động trong nước.
Xu hướng đào tạo của doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Nghiên cứu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ManpowerGroup, dựa trên khảo sát 19.000 nhà tuyển dụng tại 44 quốc gia, cho biết các nhà tuyển dụng ngày càng đánh giá cao kỹ năng mềm của con người, khi tự động hóa và máy móc làm tốt hơn các công việc lập đi lập lại sẽ lấy bớt các công việc của người lao động. Các kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề phức tạp và tư duy phản biện đang trở nên rất quan trọng trong thời đại số vì doanh nghiệp rất khó tìm được nhân tài có những kỹ năng này. Khảo sát cho thấy 38% tổ chức cho biết việc đào tạo kỹ năng chuyên môn không hề đơn giản, nhưng có đến 43% doanh nghiệp cho rằng đào tạo các kỹ năng mềm cần thiết thậm chí còn khó hơn.
Bà Trương Bích Đào (thứ 2 từ phải qua) chia sẻ về việc đào tạo và tự động hóa tại Nestlé Việt Nam
Cũng theo nghiên cứu nhân lực trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vào năm 2022, khoảng 54% nhân viên tại các doanh nghiệp sẽ cần được đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng. Trong số đó, khoảng 35% sẽ được tham gia các khóa đào tạo dài 6 tháng, 9% sẽ tham gia khóa đào tạo 1 năm và 10% sẽ cần được đào tạo thêm kỹ năng kéo dài hơn 1 năm.
Người Việt nói riêng và Châu Á nói chung đã quen với cách đào tạo trong trường lớp, có giảng viên hướng dẫn… Chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ về đào tạo, nên tự tìm hiểu kiến thức không chỉ từ trường lớp, từ người khác mà còn trên các nền tảng kỹ thuật số, các chương trình đào tạo trực tuyến.
Nắm bắt cơ hội việc làm bằng cách nào?
Cơ hội nhận được việc làm ngày nay không còn phụ thuộc vào những gì bạn biết, nhưng phụ thuộc những gì bạn sẵn sàng học hỏi. Nếu người lao động có khả năng học hỏi, họ sẽ sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời đại số. Khả năng học hỏi chính là mong muốn và khả năng tiếp thu kiến thức nhanh chóng, đồng thời thích nghi với những kỹ năng mới để luôn tìm được việc làm thích hợp trong sự nghiệp.
Hiện chỉ có 19% trong tổng số lao động có hợp đồng là lao động kỹ thuật cao
Tuy với lực lượng lao động khoảng 57,5 triệu người, Việt Nam vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trầm trọng. Theo thống kê, năm 2018 lực lượng lao động có kỹ năng cao trong nước chỉ chiếm 19% trên tổng số lao động, trong khi lao động không có kỹ năng chiếm đến 40%.
Chia sẻ về vấn đề đào tạo, bà Trương Bích Đào, Giám đốc Nhân sự công ty Nestlé Việt Nam cho biết: “Những gì người lao động học được từ trường lớp chỉ tác động 10% công việc, những gì họ học được từ đồng nghiệp chiếm 20% và việc tự tìm tòi phát triển bản thân trong công việc sẽ chiếm 70% còn lại. Do đó, hai yếu tố quan trọng đối với một nhân viên khi đi làm là tinh thần sẵn sàng học hỏi và sẵn sàng thích nghi với thay đổi. Tương tự các doanh nghiệp, người lao động cũng cần thay đổi, điều đó giúp họ “sống sót” trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”
Cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại
Thông qua hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia sẽ trở nên dễ dàng hơn, tạo ra sự cạnh tranh giữa lực lượng lao động Việc Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, điều này sẽ tác động tích cực lên lực lượng lao động trong nước, thúc đẩy người lao động Việt Nam nâng cấp kỹ năng và cạnh tranh tốt hơn.
Các hiệp định trên sẽ mở ra cánh cửa cho sản phẩm và dịch vụ của các nước thành viên bước vào thị trường Việt Nam, điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và người lao động trong nước phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà. Do đó, thách thức đối với Việt Nam không chỉ là tự động hóa hay robot, nhưng chính là sự cạnh tranh với lực lượng lao động từ các quốc gia láng giềng.
Năng suất lao động là một thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam khi bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Mặc dù nguồn lao động rất dồi dào, nhưng chất lượng của nhân lực Việt Nam vẫn là một vấn đề đáng quan tâm. Năng suất lao động trong nước đạt mức 4.019 USD, chỉ bằng 1/3 so với mức 11.633 USD của Thái Lan. Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi chỉ có 5% lực lượng lao động Việt Nam có kỹ năng này.
Để tận dụng được cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào chiến lược đào tạo nhân lực dài hạn, qua đó trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Tin vui đối với người lao động là có đến 84% các tổ chức toàn cầu lên kế hoạch nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động của họ trong 2 năm tới.
Người lao động Việt Nam cần phải học hỏi để thích nghi với tương lai việc làm. Với các cơ hội nâng cấp kỹ năng của chính mình đang trở thành xu hướng của các công ty, lực lượng lao động trong nước sẽ có cơ hội để cải thiện năng suất lao động của mình. Vì vậy, tôi tin rằng các hiệp định tự do thương mại sẽ đem đến những tác động tích cực.
Chiến lược nhân tài trong kỷ nguyên số
Với lực lượng lao động trong nước dồi dào nhưng chỉ có kỹ năng trung bình hoặc thiếu kỹ năng, các nhà tuyển dụng tại Việt Nam nên áp dụng những chiến lược nhân tài thích hợp. Một chiến lược nhân tài hiệu quả mà chúng tôi muốn giới thiệu là giải pháp 4 B. Giải pháp này bao gồm Xây dựng (Build: đầu tư vào đào tạo và phát triển cho nhân sự đang có), Săn nhân tài (Buy: thu hút những nhân tài có sẵn trong thị trường nhưng không thể xây dựng được ngay trong tổ chức), Tìm nguồn lực hỗ trợ (Borrow: tìm kiếm những cộng đồng nhân tài bên ngoài tổ chức) và Kết nối (Bridge: giúp lao động thuyên chuyển vị trí công tác hoặc thăng tiến lên các vai trò mới cả trong nội bộ lẫn bên ngoài tổ chức).
Các doanh nghiệp cần có chiến lược đào tạo nhân sự để thích ứng với những biến đổi của nền sản xuất
Một trong những nguyên nhân chính yếu của việc thiếu hụt nhân tài là ứng viên thiếu cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết. Đáng chú ý hơn, những kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng yêu cầu ngày nay rất khác biệt so với trước đây, do đó các kỹ năng mới xuất hiện nhanh chóng cùng lúc với các kỹ năng cũ mất đi. Đó là lý do người lao động cần được nâng cấp kỹ năng hoặc đào tạo lại để thích nghi với yêu cầu của cuộc cách mạng kỹ năng.
Một kết quả khảo sát thú vị trong nghiên cứu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy, chỉ có 32% các tổ chức sẵn sàng sử dụng lao động hợp đồng hoặc các hình thức làm việc không chính thức, trong khi có đến 87% người lao động sẵn sàng làm những loại công việc thế hệ mới này (các công việc của nền kinh tế tự do).
Để thành công trong kỹ nguyên số, các công ty cần phát huy văn hóa khuyến khích học hỏi không ngừng, hướng dẫn phát triển sự nghiệp và nâng cấp kỹ năng cho nhân viên.