Lao động "chui" tại Angola: Hệ lụy dai dẳng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:31 - 14/03/2016
Khẩn mong đưa các anh về với gia đình...
Chỉ vì cuộc sống mưu sinh nên anh Nghĩa, anh Hậu liều mình lặn lội sang tận Angola lao động chui. Với mức lương trung bình từ khoảng 800 - 1.000 USD, tưởng rằng cuộc sống gia đình sẽ đổi thay từ những nỗ lực của các anh. Thế nhưng, chỉ một phút chốc không may, hai anh đã phải bỏ mình nơi xứ người, để lại nỗi đau khôn xiết cho gia đình và người thân.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân Đặng Quốc Nghĩa
"Mong muốn duy nhất là làm sao đưa được thi thể anh Nghĩa về an táng tại quê nhà. Thế nhưng, điều này là rất khó khăn, bởi phải mất khoảng từ 18.000 - 20.000 USD chi phí để đưa thi thể về quê, một số tiền quá lớn với gia đình. Chúng tôi khẩn mong các cấp chính quyền, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và các nhà hảo tâm thương xót, giúp đỡ đưa anh về với vợ con, gia đình" - anh Hàn Văn Định người thân của nạn nhân Đặng Quốc Nghĩa chia sẻ.
Được biết, hiện nay Đại sứ quán Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Angola và các cấp chính quyền đang nỗ lực đưa thi thể 2 nạn nhân về quê an táng. Tuy nhiên, do không được sự bảo hộ của Chính phủ Angola nên ngoài công tác kêu gọi hỗ trợ nguồn kinh phí, việc thực hiện các thủ tục cũng gặp không ít khó khăn.
Hồi chuông cảnh báo
Có thể nói, sự ra đi của anh Nghĩa và anh Hậu ngoài để lại nỗi đau cho gia đình, người thân, đó còn là hồi chuông cảnh bảo báo về tình trạng bất ổn, mất an toàn tại Angola cho các lao động Việt Nam.
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, hiện Hà Tĩnh có hơn 7.200 lao động đang làm việc tại Angola (chiếm 18% tổng số lao động cả nước), trong đó huyện Kỳ Anh, TX. Kỳ Anh, Thạch Hà... là những địa phương có số lượng người đi đông nhất.Do Chính phủ Việt Nam và Angola chưa ký kết chương trình hợp tác về tiếp nhận lao động nên hầu hết lao động Việt Nam sang Angola theo hình thức du lịch, thăm thú người thân... sau đó ra làm việc trái phép. Công việc chủ yếu của lao động Việt thường là thợ xây dựng, buôn bán, làm trong các nhà xưởng.
Mẹ và vợ nạn nhân Đặng Quốc Nghĩa khóc cạn nước mắt khi nhận hung tin.
Do không có hợp đồng lao động nên khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động, bệnh tật, người lao động không được sự bảo hộ của nước sở tại cũng như các quyền lợi từ các doanh nghiệp tiếp nhận lao động.
Ngoài ra, theo lời kể từ một số lao động trở về từ Angola thì hiệu quả kinh tế mà thị trường này mang lại cũng không cao, cho dù lao động Việt được trả với mức lương từ 800 - 1.000 USD. Bởi để có thể gửi được tiền về cho gia đình thì người lao động phải mất 50% các chi phí.
Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Sở đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên sang Angola lao động, vì đây là thị trường không an toàn. Nhất là tình trạng chính trị, an ninh bất ổn, với sự hoạt động mạnh của các băng đảng xã hội. Thứ hai là điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là lao động Việt thường bị mắc bệnh sốt rét ác tính, rất dễ bị tử vong. Thứ ba là Chính phủ hai nước chưa ký kết thỏa thuận tiếp nhận lao động nên để tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng, lao động Việt sang thường phải làm việc tại các vùng hẻo lánh, xa trung tâm, điều kiện làm việc rất khó khăn, thiếu thốn và lại không được đảm bảo về an ninh.Tuy vậy do sự nhẹ dạ, cả tin nên nhiều người dân vẫn bị các đối tượng cò mồi lôi kéo sang làm việc trái phép gây ra nhiều hệ lụi khôn lường.Trước những hệ quả nặng nề, đắng cay từ việc đi lao động chui tại Angola, mong rằng thời gian tới các lực lượng chức năng sẽ có các giải pháp mạnh để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa lao động đi trái phép, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức cảnh giác cho người dân để không xảy ra những sự việc đau lòng, những nỗi đau dai dẳng.