THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:29

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh trống khai giảng năm học mới

 

Chủ tịch nước đánh trống khai giảng năm học mới
Sáng 5/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự lễ khai giảng tại trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Nam Nguyễn (Toquoc.vn)
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá trong năm học 2016-2017, trường THCS Trưng Vương đạt được nhiều thành tích, nhiều thế hệ từ đây đã trở thành cán bộ Đảng, nhà giáo ưu tú.
Học sinh trường THCS Trưng Vương trong lễ khai giảng sáng 5/9. ảnh: Thanh Huyền
Chủ tịch nước dặn dò học sinh cần phát triển hơn nữa trong học tập, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, kết hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội. Học sinh cần thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, sau này trở thành tài năng của đất nước, xây dựng Việt Nam ngày càng hùng cường như Bác Hồ mong muốn.
Sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018 và trò chuyện với học sinh nhân ngày khai trường
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện với học sinh trường THCS Trưng Vương. ảnh: Zing
Chủ tịch Quốc hội dự lễ khai giảng tại Tiền Giang
 
Ảnh: Giáo Dục Thời Đại.
Sáng 5/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khai giảng tại trường THCS Lê Ngọc Hân, tỉnh Tiền Giang. Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, ông Lê Văn Hưởng - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - lãnh đạo Sở GD&ĐT, TP Mỹ Tho cùng hơn 2.000 học sinh, thầy cô đã dự lễ khai giảng năm học mới. 
Gần 1,7 triệu học sinh TP HCM khai trường
7h sáng, tại THPT Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo TP HCM đến tham dự lễ khai giảng cùng hơn 1.000 thầy và trò trường này. Sau lễ chào cờ, học sinh lớp 11 và 12 trường THPT Võ Văn Kiệt chào mừng hàng trăm học sinh lớp 10. 
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tham dự lễ khai giảng tại THPT Võ Văn Kiệt. Ảnh: Mạnh Tùng

Năm nay, tổng số học sinh TP HCM tăng gần 60.000 so với năm học trước, trong đó khối công lập tăng hơn 40.000, tập trung ở cấp mầm non và tiểu học các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao. Thành phố đã xây dựng mới gần 1.500 phòng học, đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn (kể cả những người chưa có hộ khẩu, thuộc diện tạm trú) có đủ chỗ học. 
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, năm nay ngành giáo dục thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Trong đó, nhà trường sẽ chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Học sinh sẽ được tham gia tiết học ngoài nhà trường nhiều hơn nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn.

Gần 22 triệu HS-SV dự lễ khai giảng đón chào năm học mới

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Lễ khai giảng diễn ra trong một tiếng, bắt đầu từ 7h30. Buổi lễ theo yêu cầu mới là ngắn gọn, trang nghiêm với nghi thức chào cờ, tự hát Quốc ca, không dùng băng lời bài hát và đọc thư của Chủ tịch nước. 

 

Gần 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước tưng bừng dự lễ khai giảng đón chào năm học mới.


 Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2016 - 2017 toàn ngành giáo dục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhận định: “Năm học vừa qua, quản lý nhà nước của ngành giáo dục đã có bước tiến bộ vượt bậc với việc ban hành được nhiều văn bản thiết thực, giảm bớt những hoạt động không cần thiết, hình thức. Đặc biệt những bất cập từ những năm trước đang được ngành quyết liệt vào cuộc giải quyết. Năm qua cũng là năm mà mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện đã được toàn xã hội ý thức sâu sắc hơn”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, một trong những bất cập hiện nay trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là các cấp quản lý còn đưa ra nhiều quy định cứng nhắc, có tính đồng loạt, cách thức quản lý còn nặng lối cầm tay chỉ việc, trong khi điều này hiện không còn phù hợp với xu hướng chung.

Theo đó, Phó Thủ tướng Đam yêu cầu ngành giáo dục cần phải tiếp tục thúc đẩy việc đổi mới trong năm học tới. Quản lý nhà nước theo tinh thần đổi mới và phát huy sáng tạo, phải lấy ý kiến từ bên dưới, rồi cố gắng bãi bỏ hết những quy định cứng nhắc, đặc biệt là các quy định có tính hình thức, các loại chuẩn, các loại tiêu chuẩn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tập trung tổ chức thực hiện trong năm học 2017 - 2018:

Thứ nhất, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.

Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.


Lễ khai giảng ấn tượng nhưng không gây quá tải cho học sinh
Năm học 2017-2018 là năm thứ 3 ngành giáo dục thực hiện đổi mới khai giảng. Lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn nhưng trang nghiêm với đầy đủ nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Phần hội sẽ tổ chức hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường trở thành kỷ niệm đẹp với học sinh, nhất là những em lần đầu đến trường.
Nội dung lễ khai giảng được yêu cầu chú trọng vào việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, bảo đảm lễ khai giảng thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2017 - 2018, quy mô mầm non là hơn 5,085 triệu trẻ (gồm 680 nghìn trẻ nhà trẻ và 4,5 triệu trẻ mẫu giáo); giáo dục tiểu học 7,801 triệu học sinh, THCS 5,325 triệu học sinh và THPT là 2,477 triệu học sinh. Đối với các trường cao đẳng sư phạm và các trường đại học có quy mô khoảng 1,753 triệu sinh viên.

QUANG DƯƠNG-CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh