THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:18

Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh: Mái ấm tình thương của những mảnh đời bất hạnh

Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh là nơi nuôi dưỡng, giáo dục những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, những cảnh đời bất hạnh, mồ côi cha mẹ hoặc bị cha mẹ bỏ rơi không nơi nương tựa, với mong muốn mang lại cho các em một mái ấm gia đình mới, ổn định và lâu dài.

Ở đây có những bà mẹ và những đứa con không cùng huyết thống, mỗi cháu một cá tính, một quê hương khác nhau nhưng đều có chung một hoàn cảnh là sớm phải chịu thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống.

Trải qua năm tháng, chung sống cùng một mái nhà, bằng tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, họ trở thành người một nhà và coi nhau như ruột thịt. Các mẹ, các dì chính là người đã sưởi ấm những trái tim nhỏ bé, yếu đuối, thiếu hụt tình cảm của các em, giúp các em vượt qua mặc cảm của số phận, vươn lên.

Các mẹ ,các dì đã nhiều đêm thức trắng để chăm sóc các con, hướng dẫn, dạy bảo các con trong nếp sống, cư xử với mọi người, động viên khi con ốm đau, khuyến khích khi con đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện đạo đức.

Trao học bổng khuyến học cho các em làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh trúng tuyển đại học Huế

Trao học bổng khuyến học cho các em làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh trúng tuyển đại học Huế

Tất cả những điều đó đã tạo nên tình cảm mẹ con gần gũi, anh chị em đoàn kết, yêu thương chia sẻ lẫn nhau. Đền đáp lại công ơn của các mẹ, các dì là những tấm bằng đại học, giấy khen, phần thưởng, suất học bổng mà các con đạt được trong quá trình học tập và rèn luyện.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn- Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh cho biết: Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh (tiền thân là Trung tâm Bảo Trợ xã hội) được thành lập từ năm 1992 tại Thị Trấn Nghèn Can Lộc, năm 1993 Làng chuyển về phường Đại Nài Thành phố Hà Tĩnh.

Năm 2004 UBND tỉnh có Quyết định số: 12-QĐ/UB-TC về việc đổi tên từ Trung tâm BTXH thành Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh trụ sở đặt tai xã Thạch Trung- Thành phố Hà Tĩnh với tổng diện tích đất 20.000m2 . Quy mô nuôi dương từ 80-100 đối tượng.

Mỗi ngôi nhà trong làng có một người mẹ chăm sóc trẻ ở nhiều lứa tuổi, đến từ các xã,huyện trong toàn tỉnh. Đa phần các em đều biết, hiểu được hoàn cảnh của mình nên rất yêu thương và kính trọng bố mẹ của làng, không muốn để  bố mẹ buồn lòng nên luôn cố gắng học tập và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Trong năm học vừa qua, làng đã có 11 con đã đỗ vào các trường đại học trong cả nước... các con tốt nghiệp ra trường trước đó hầu hết đều đã tìm được việc làm, nhiều con đã lập gia đình và có cuộc sống tương đối ổn định.

Trong không khí ấm cúng của gia đình, mẹ Trần Thị Thanh Toàn đang cùng các con quây quần bên bếp nhỏ để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Gắn bó với Làng từ khi chịToàn là đứa trẻ mồ côi từ gần 20 năm nay, quãng thời gian ấy chị Toàn cũng được các mẹ ở đây nuôi dưỡng và đến trưởng thành.

Khóe mắt ngấn lệ, chị Toàn trải lòng: Trước kia, chị là một đứa trẻ mồ côi vào làng từ năm 2004, sau khi được sự chăm sóc nuôi dưỡng chị đã trưởng thành ,chị xin về lại làng công tác cho đến nay. Đồng cảm với số phận, chị thương yêu các con nhiều hơn nữa như ngày xưa chị đã từng được yêu thương như vậy. Bởi thế, chị coi việc trở lại với ngôi làng như định mệnh để mẹ và các con trở thành người thân.

Mỗi đứa con đến với Làng là một câu chuyện, một cảnh ngộ không ai giống ai, có con thì bị mẹ bỏ rơi trong bệnh viện khi vừa được sinh ra, có con thì bố mẹ mất sớm không còn ai nương tựa, cũng có con bố mẹ còn sống nhưng không còn khả năng lao động để nuôi sống gia đình...

Nhận nuôi và chăm lo cho các con, các mẹ trong làng luôn tâm niệm, trăn trở một điều là làm sao để các con có được những bữa ăn ngon hơn, đủ đầy hơn, để các con có thêm những điều kiện phấn đấu, học hành tốt hơn. Và mong muốn lớn nhất của cuộc đời các chị bây giờ là các con luôn ngoan ngoãn, học tập tốt, lớn khôn nên người.

Tin tưởng rằng, các em sẽ vươn cánh bay cao, bay xa để đáp lại những mong mỏi, tin yêu của các mẹ, các dì nơi đây, và nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

                                                                                            

VĂN HẢO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh