CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:25

Lạng Sơn: Triển khai nhiều biện pháp quản lý lao lao động qua biên giới thời điểm dịch Covid-19

Lao động đi theo kênh hợp pháp qua biên giới làm việc còn thấp

Nhiều năm qua, người lao động Lạng Sơn sang Trung Quốc làm thuê đã đem lại thu nhập đáng kể đã thu hút nhiều lao động không chỉ của Lạng Sơn mà cả lao động của các tỉnh khác đi sang Trung Quốc làm thuê.

Trung bình mỗi năm, địa bàn tỉnh có khoảng 100.000 lượt người dân xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê, trong đó có từ 5.000 đến 7.000 người Lạng Sơn xuất cảnh từ 20.000 đến 30.000 lượt. Cụ thể riêng năm 2018, có khoảng 7.000 người dân tỉnh Lạng Sơn xuất cảnh gần 30.000 lượt và năm 2019 có gần 5.500 người dân Lạng Sơn xuất cảnh gần 22.000 lượt sang Trung Quốc làm thuê.

Lạng Sơn: Triển khai nhiều biện pháp quản lý lao lao động qua biên giới thời điểm dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Giám đốc Sở thăm quan giờ thực hành của học sinh nghề Công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn

Riêng số lao động xuất cảnh theo "Cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới" giữa tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thành phố Sủng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) năm 2019 là 757 người. Trong 4 tỉnh cùng ký kết với Quảng Tây, Lạng Sơn đang thực hiện có kết quả tốt nhất.

Nhìn chung số sang làm việc đều có mức lương tương đối khá khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng, các chế độ khác được đảm bảo... Qua tổng hợp báo cáo của 11 huyện, thành phố về tình hình lao động qua biên giới làm việc đến hết tháng 2/2020, tổng số lượt người qua biên giới làm việc tại Trung Quốc là 17.753 người. Năm nay, do anh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số lao động phải trở về nước lên đến 16.614 lao động.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn cho biết, lượng người xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê tương đối nhiều, song thực tế, số người đi theo kênh hợp pháp qua cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới thấp. Phần lớn lao động sang Trung Quốc làm thuê trái phép hoặc xuất cảnh hợp pháp (có giấy thông hành) nhưng không đăng ký với các cơ quan chức năng, các đơn vị được phép trong hoạt động dịch vụ cung ứng, tuyển dụng lao động.

Trước đó (3/2/2020), tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tổ chức tiếp nhận 32 công dân Việt Nam do Trung Quốc trao trả. Các công dân trên có hộ khẩu tại các tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, Hải Dương và Lạng Sơn… đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bị lực lượng chức năng nước bạn bắt giữ do cư trú bất hợp pháp.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Tuấn, qua thực tế cho thấy, việc thực hiện thỏa thuận hợp tác còn những bất cập nhất định khiến người dân không mặn mà đăng ký xuất khẩu lao động qua kênh chính thống dẫn đến số lượng người được xuất khẩu lao động chính thống sang Trung Quốc còn rất khiêm tốn.

Cụ thể về thời điểm tuyển dụng, các đơn vị sử dụng lao động phía Trung Quốc chủ yếu tuyển dụng khi có nhu cầu và tổ chức vào thời điểm nhất định trong năm. Hơn nữa, khi làm việc tại công xưởng phía Trung Quốc theo thỏa thuận hợp tác, người lao động phải có làm việc ổn định, lâu dài trong khi đó, người dân chủ yếu tranh thủ lúc nông nhàn dịp cuối năm và sau Tết Nguyên đán mới sang Trung Quốc làm thuê với thời gian ngắn từ 10 ngày đến 1 hoặc 2 tháng/lần.

Phạm vi địa bàn lao động theo thỏa thuận hợp tác chỉ giới hạn ở thành phố Sùng Tả và lao động theo nhóm ngành nghề đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật cao cũng là một trở ngại lớn bởi người dân chủ yếu là lao động phổ thông, có nhu cầu sang các khu vực nông trại ở các tỉnh, khu của Trung Quốc chặt mía, thu hái nông sản.

Triển khai nhiều biện pháp ứng phó, rà soát các đối tượng được trợ cấp do dịch bệnh

Nhìn chung việc triển khai quản lý lao động qua biên giới của tỉnh Lạng Sơn đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động đến công tác hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, do đó Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn đã đề ra nhiều giải pháp để ứng phó.

Lạng Sơn: Triển khai nhiều biện pháp quản lý lao lao động qua biên giới thời điểm dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường

Sau khi có dịch tại Vũ Hán, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các huyện thống kê, theo dõi ngay những lao động trở về từ Trung Quốc. Mọi trường hợp về đều được cách ly, không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm dịch Covid. Đối với những lao động về sau 1/2/2020 phải cách ly theo quy định và tỉnh cũng chỉ đạo tuyên truyền dịch Covid-19 cấm không được qua biên giới khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Đồng thời tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều sáng kiến để khắc phục khó khăn, vừa phòng chống dịch vừa tăng cường công tác xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 3 khu cách ly (dành riêng cho lái xe và chủ hàng Trung Quốc, lái xe và chủ hàng Việt Nam và khu dành riêng cho tổ đội bốc xếp, giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu), đồng thời có sáng kiến thành lập tổ lái xe chuyên trách nhưng chưa thấy hiệu quả nên đã đề xuất tất cả lái xe mặc quần áo bảo hộ, trở về tiêu hủy và không phải tiến hành cách ly. Quy trình này đã được Bộ Y tế chấp nhận, đưa vào quy trình kiểm tra y tế, vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh phương án đưa lao động Việt Nam sang khu vực bến bãi cách ly tại cửa khẩu Pò Chài (Trung Quốc), để đảm bảo công tác quản lý giám sát lao động và phòng chống dịch, phù hợp với điều kiện thực tế, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề nghị các cơ quan tương ứng của phía Trung Quốc áp dụng linh hoạt biện pháp cho phép phương tiện của Trung Quốc sang khu cách ly tại cửa khẩu Tân Thanh để nhận hàng hóa trong thời gian dịch nhằm tận dụng nguồn lao động của Việt Nam.

Xây dựng kịch bản phương án cụ thể cho từng mục tiêu để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. Cùng với đó, công tác quản lý, nắm bắt các doanh nghiệp trên địa bàn cũng được thực hiện song song với các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Hiện tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 3.026 với trên 40.000 lao động.

Để chuẩn bị cho công tác triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai các văn bản hướng dẫn gửi UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp; tổng hợp số đơn vị, doanh nghiệp dừng hoặc tạm dừng hoạt động, giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất; số lao động bị ảnh hưởng, mất việc làm, thiếu việc làm và tạm dừng đóng BHXH.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB&XH, đến ngày 17/4/2020 có khoảng 182 doanh nghiệp, hợp tác xã có báo cáo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với khoảng 1.763 lao động bị ảnh hưởng, ngoài ra số lao động không có HĐLĐ đang được các huyện thống kê theo phòng LĐ-TB&XH. Thẩm định và ban hành văn bản xác nhận cho 9 doanh nghiệp đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện,TP triển khai rà soát và tổng hợp các đối tượng được trợ cấp do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, và đang chờ hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH. Khi có văn bản hướng dẫn sẽ triển khai thực hiện ngay.


CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh