Lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của người dân
- Tây Y
- 23:29 - 20/03/2019
Lắng nghe những thắc mắc tâm tư của người dân.
Không né tránh bất cứ vấn đề nào dù là "hóc búa" nhất, buổi tiếp công dân của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung diễn ra cởi mở và thẳng thắn và đối thoại trực tiếp, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người dân từng trường hợp cụ thể. Đơn cử như trường hợp của Cựu chiến binh Nguyễn Phan Ngọc (Phục viên), bị nhiễm chất độc hóa học và bại liệt, ở thôn Đập Lập, xã La Phù, huyện Hoài Đức-Hà Nội với phản ánh xem xét, giải quyết về việc điều chỉnh được vào Trung tâm điều dưỡng, đỡ gánh nặng cho gia đình…
Bộ trưởng chia sẻ những tâm tư của cựu chiến binh
Sau khi lắng nghe, Bộ trưởng chia sẻ: “Theo quy định chính sách của nhà nước, thì bác Ngọc không được hưởng chế độ ở Trung tâm, nhưng để bớt một phần gánh nặng cho gia đình” Bộ trưởng sẽ gửi văn bản UBND TP Hà Nội và sở LĐ-TB&XH xem xét tạo điều kiện và hỗ trợ cho CCB Nguyễn Phan Ngọc.
Giải đáp những thắc mắc của công dân về chế độ đối với người có công và thân nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trực tiếp trả lời từng trường hợp, nhiều công dân đã không còn bức xúc và rất trân trọng tinh thần lắng nghe của người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH.
Ông Nguyễn Văn Liên, sau khi trình bày nguyện vọng, kiến nghị với với Bộ trưởng.
Ông Nguyễn Văn Liên, thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, huyện Yên Phong Bắc Ninh tâm sự: “Đối với những phản ánh, kiến nghị của tôi theo hồ sơ, Bộ trưởng đã căn cứ vào đúng thẩm quyền và giao sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh xem xét, xác minh lại có kết luận cuối cùng báo cáo Bộ”, ông Liên tin tưởng vào cách giải quyết vấn đề rất quyết liệt của đồng chí Bộ trưởng…
Người dân đăng ký gặp Bộ trưởng tại buổi tiếp công dân.
Thực hiện Luật Tiếp công dân, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã coi công tác tiếp công dân là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa công dân với Đảng và Nhà nước. Thông qua công tác tiếp công dân, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và các lĩnh vực của ngành được giao quản lý. Qua đó, góp phần giảm bức xúc, xung đột trong xã hội, đồng thời huy động sự tham gia rộng rãi của công dân vào hoạt động quản lý của Nhà nước, quản lý xã hội, tạo động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng. Ngoài ra, còn giúp các cơ quan, đơn vị của Bộ có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân hơn.