THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:57

Lang Chánh cần tạo bước đột phá để thoát khỏi huyện nghèo

Thực hiện tốt "mục tiêu kép"

Ngày 26/9, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cùng đoàn công tác của tỉnh Thanh Hoá đã có buổi làm việc với huyện Lang Chánh.

Theo báo cáo của huyện Lang Chánh, những tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại một số xã, nên huyện cũng đã gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài huyện, Lang Chánh đã triển khai thực hiện thành công "mục tiêu kép", không để phát sinh trường hợp lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực.  

Lang Chánh cần tạo bước đột phá để thoát khỏi huyện nghèo - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cùng đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Lang Chánh

Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Lang Chánh 6 tháng đầu năm ước đạt 1.209,5 tỷ đồng, tăng 11,7%, so với cùng kỳ… Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đến nay huyện đã có 2 xã đạt chuẩn NTM, 31 thôn đạt chuẩn NTM, 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm. Các chương trình, dự án giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi, an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Lang Chánh cần tạo bước đột phá để thoát khỏi huyện nghèo - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cho biết: "Lang Chánh là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, yêu nước và cách mạng, nơi sinh sống lâu đời và lưu giữ đậm nét bản sắc văn hóa của 3 dân tộc anh em Mường, Thái, Kinh... Là huyện miền núi, địa bàn rộng, đất đai thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh cây nguyên liệu, đặc biệt là cây luồng, các cây gỗ lớn, cây dược liệu và một số cây trồng khác, đồng thời thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Một số xã của huyện nằm trong tiểu vùng khí hậu ôn đới, có khả năng nuôi cá hồi, cá tầm. Huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú; nhiều địa danh như núi Chí Linh, thác Ma Hao, suối Huối, đỉnh Miêu Thiền Tự... có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch".

"Với những lợi thế mà huyện Lang Chánh đang có, huyện Lang Chánh cần phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, phải cùng nhau trăn trở thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, dám đột phá; phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tìm mọi giải pháp để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đưa Lang Chánh phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hoá.

Lang Chánh cần tạo bước đột phá để thoát khỏi huyện nghèo - Ảnh 3.

Đoàn công tác thăm các mô hình trang trại tại Lang Chánh

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tích cực, chủ động hơn nữa để vượt qua khó khăn, thách thức trong công việc; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt và phải có hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó" và phải khắc phục cho được tư tưởng "trông chờ, ỷ lại, thụ động, quen chịu khổ, chưa chịu khó. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội..." - Bí thư Đỗ Trọng Hưng chỉ đạo. 

Cần tạo bước đột phá để thoát khỏi huyện nghèo

Tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh Thanh Hoá cũng đã yêu cầu lãnh đạo huyện Lang Chánh cần lưu ý: "Lang Chánh cần xác định kinh tế nông nghiệp là nền tảng, giữ diện tích lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực; tập trung phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp. Huyện cần làm tốt công tác trồng rừng, phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm từ rừng, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; kiên quyết chuyển đổi các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp sang tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn và các cây trồng có lợi thế để có hiệu quả cao hơn, bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu bản địa quý hiếm trở thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch bảo đảm sinh kế cho người dân..." 

Lang Chánh cần tạo bước đột phá để thoát khỏi huyện nghèo - Ảnh 4.

Nhân dịp này, Bí thư Đỗ Trọng Hưng và đoàn công tác đã tặng huyện Lang Chánh 100.000 khẩu trang để phòng, chống dịch COVID -19.

"Phát triển nông nghiệp cần quan tâm kết hợp 3 loại hình, vừa kết hợp sản xuất nông hộ, vừa kết hợp sản xuất tập trung quy mô vừa và lớn, quan tâm phát triển kinh tế hợp tác... Trong phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với phát triển đô thị, hạn chế tối đa các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường... Phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, khí hậu, đặc biệt là Khu sinh thái Năng Cát - Thác Ma Hao và các di tích, danh thắng khác trong vùng để quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, từng đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện Lang Chánh cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn đau đáu, trăn trở để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để Lang Chánh sớm thoát ra khỏi huyện nghèo" và vì sao "Lang Chánh là huyện có nhiều dư địa phát triển, nhưng vẫn nằm trong nhóm huyện nghèo nhất cả nước?", từ đó khơi dậy mạnh mẽ lòng tự trọng, tính tự ái cách mạng, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Lang Chánh khát vọng vươn lên, khát khao cống hiến, tích cực lao động, sáng tạo, cần tạo bước đột phá đưa Lang Chánh sớm thoát khỏi huyện nghèo" – Bí thư tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.

Trước đó, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi gà và lợn của gia đình chị Lê Thị Chính ở xã Giao An,. Thăm và kiểm tra công trình Khu trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao tại xã Giao An và xã Trí Nang với khoảng gần 300ha, quy mô chăn nuôi 12.000 lợn nái, 40.000 lợn thịt. Thăm mô hình nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Trí Nang của anh Lê Khắc Sâm đã ứng dụng công nghệ, đưa các loại con giống mới vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho người dân với 9 bể nuôi, hằng năm thu hoạch được 5-6 tấn cá, tổng thu nhập từ 1 đến 1,2 tỷ đồng. Đến kiểm tra tiến độ đầu tư Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - Thác Ma Hao, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.

Nhân dịp này, Bí thư Đỗ Trọng Hưng và đoàn công tác đã tặng huyện Lang Chánh 100.000 khẩu trang để phòng, chống dịch COVID -19.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh