THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:21

Làng bánh chưng Tranh Khúc hối hả vào vụ tết

Trong những ngày cuối tháng 12 âm lịch, chúng tôi có dịp ghé thăm làng bánh chưng nổi tiếng đất Hà Thành (làng bánh chưng Tranh Khúc) ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Mới chỉ đặt chân đến đây, chúng tôi đã cảm nhân được mùi vị đặc trưng của những nồi luộc bánh chưng trong căn bếp của các gia đình, cùng với đó là không khí sản xuất hối hả của 215 hộ làm nghề gọi bánh chưng.

Theo người dân trong làng kể lại, bánh chưng làng Tranh Khúc đã có từ rất lâu (trước năm 1975). Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở đây đã có những hộ gia đình làm bánh chưng nhưng vì trong thời chiến tranh ác liệt , dân làng phải phiêu bạt đi khắp nơi. Mãi sau 1975 khi thống nhất đất nước, dân làng mới trở lại và phục dựng lại làng nghề làm bánh chưng. Kể từ đó làng nghề được phát triển và duy trì đến nay, sau hơn 40 năm bánh chưng làng Tranh Khúc đã có mặt ở khắp nơi từ Hà Nội cho đến TP Hồ Chí Minh. Thậm chí Dịp Tết này bánh chưng Tranh Khúc còn ra nước ngoài, phục vụ bà con kiều bào đón Tết.

Theo bà Đặng Thị Duyên (Đội 1 thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, trong những năm trở lại đây người dân thành phố bận rộn với công việc nên nhiều gia đình không có thời gian tự gói bánh chưng như trước, mà thường đi mua. Chính vì vậy, nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc có điều kiện để phát triển.

Nếu ngày thường mỗi nhà chỉ làm 50-100 cái theo đơn đặt hàng thì dịp này tăng số lượng lên gấp 5, nhiều nhà cho ra lò gần 1.000 chiếc bánh mỗi ngày. Không khí trong làng sôi động, tấp nập, bà Duyên cho biết.

Theo người dân trong làng, bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt, cũng từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Lá dong nhập từ Tràng Cát (Hà Nội), nếu không đáp ứng được thì nhập thêm ở những nơi khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Nếp gói bánh là nếp cái hoa vàng ở vùng Hải Hậu – Nam Định, trong khi đó thịt lợn thì lựa chọn tại đại phương là loại thịt ngon, tươi, chủ yếu là nạc mông, vai và ba chỉ. Ngoài ra nhân đỗ xanh phải là loại còn tươi, hạt được lựa chọn kĩ.

Các kỹ thuật từ chọn lá dong, ngâm gạo nếp qua đêm, đồ đậu xanh rồi giã nhuyễn, ướp thịt lợn, gói bánh…các công đoạn đều có những bí quyết riêng. Những người ở đây từ người già tới trẻ em đều có thể gói bánh một cách điêu luyện, gói hoàn toàn bằng tay mà không cần tới khuôn.

Trước đây, bánh chưng Tranh Khúc xưa luộc theo phương thức truyền thống bằng bếp củi và bếp than, nhưng nay nhiều gia đình đã sử dụng bếp điện, thuận tiện hơn. Bánh được luộc 6-10 tiếng, cứ cuối buổi chiều các hộ bắc bếp nổi lửa, gần sáng bánh được vớt ráo nước, ép, rồi mang đi khắp nơi.

Trong những ngày này vợ chồng anh Nguyễn Xuân Minh luôn tay luôn chân chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Người thái thịt, người lau chùi lá dong. Vài người làm công thì hì hụi xếp bánh vào nồi. Anh Minh cho biết: "Một năm gia đình tôi làm từ 8.000 đến 10.000 bánh. Những ngày này, cả nhà lao vào việc từ sáng sớm đến đêm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Năm nào nhà ông cũng phải thuê ô tô để chở hàng đi giao thay vì xe máy như ngày thường".

Nghề này tuy vất vả, luôn tay luôn chân bận rộn nhưng cho thu nhập ổn định. Dân trong làng không phải bôn ba lo việc đây đó hay chân lấm tay bùn như nghề làm ruộng. Cuộc sống đảm bảo thì làng nghề làm bánh chưng Tranh Khúc sẽ còn được duy trì và phát triển dài lâu, anh Minh cho biết.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh