Làn sóng covid lần thứ 4: Lao động tự do gặp nhiều rủi ro
- Y học 360
- 03:50 - 20/05/2021
Sinh kế bị đe dọa bởi đại dịch
Quá trình đô thị hóa khiến cho những mảnh ruộng của gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn ở Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội dần bị thu hẹp, không có nghề trong tay nên đã hơn 10 năm nay chị phải bám lấy chợ cóc ở Phùng Khoang kiếm sống. Năm 2021 tưởng rằng đại dịch covid -19 sẽ bớt đi thì cuộc sống gia đình chị sẽ bớt khó khăn hơn năm trước. Nhưng liên tiếp những ngày gần đây làn sóng covid 19 bùng phát mạnh, trước tình thế đó Hà Nội buộc phải đóng cửa tất cả các chợ cóc, chợ tạm khiến cuộc sống gia đình chị càng thêm khó khăn.
Chị Hoàn tâm sự, nếu chợ không bị đóng cửa thì trung bình mỗi ngày chị cũng kiếm được khoảng 200 -300 nghìn đồng. Số tiền đó cũng đủ gia đình chị trang trải mọi chi phí trong gia đình. Nhưng giờ đây chợ đóng cửa, nhưng mọi sinh hoạt trong gia đình vẫn phải duy trì nên đây là thời điểm rất khó khăn với chị. Đợt dịch này, cả nước mỗi ngày có đến hàng trăm ca nhiễm thì không biết đến bao giờ mọi sinh hoạt mới trở nên bình thường được.
Do hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm do tai nạn giao thông nên chị Nguyễn Thị Hạnh ở Ba Vì đã phải rời quê lên phố kiếm sống. Không nghề nghiệp, không kỹ năng nên chị chỉ có thể làm những công việc giản đơn như bưng bê, rửa bát. Trừ các khoản chi phí mỗi tháng chị cũng gửi được 3 triệu đến 4 triệu đồng về quê cho ông bà ngoại nuôi cháu. Nhưng từ năm ngoái đến nay do dịch bệnh bùng phát các nhà hàng, quán ăn cũng vắng khách khiến cho công việc rửa bát của chị cũng không còn. Chính vì thế nguồn thu nhập chính của cả gia đình chị cũng mất luôn. Chị Hạnh hy vọng dịch bệnh sớm qua đi để chị có thể sớm quay lại thành phố kiếm sống.
Là người bán bún gánh ở Hà Nội đã 10 năm, cứ mỗi ngày đi rong rẻo khắp các tuyến phố gần khu vực bệnh viện Việt Đức, Phụ sản Trung ương chị Trần Thị Xuân quê ở Hưng Yên cũng kiếm được khoảng 400.000 đồng mỗi ngày, nhưng từ khi dịch covid 19 lần thứ 4 bùng phát khiến cho gánh bún của chị càng thêm ế, ẩm.
"Trước đây khách hàng của mình rất đa dạng từ người đi đường, người đến viện khám bệnh, thậm chí cả bệnh nhân trong viện cũng ra ăn, còn giờ đây đề phòng Covid 19 chẳng còn ai dám lê la ngoài đường ăn bún nữa. Mỗi ngày mình bán được từ 10 -15 kg bún nhưng bây giờ mấy cân cũng không xong. Từ khi dịch bùng phát mạnh mình cũng đã nghỉ luôn đợi khi nào dịch lắng xuống mình mới dám bán. Mặc dù mất đi nguồn thu nhập cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều nhưng bây giờ cần đảm bảo sức khỏe của mình và mọi người là trên hết" – chị Xuân chia sẻ
Theo kết quả khảo sát phục vụ nghiên cứu "Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 tới nhóm yếu thế - người di cư làm việc trong khu vực phi chính thức - tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam" được Mạng lưới Hành động vì người lao động di cư (M.net) thực hiện trên tổng số 649 người lao động di cư phi chính thức tham gia cho thấy, hơn một nửa (53%) người tham gia nghiên cứu bị mất từ 75% thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống lây nhiễm bệnh, hầu hết người lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức bị giảm và mất việc làm. Cụ thể, 40% bị mất 100% thu nhập, 13% bị mất 75% thu nhập; 19% bị mất 50% thu nhập. Nếu tính mất thu nhập từ 50% trở lên thì tỉ lệ bị ảnh hưởng là 72%. Bị mất thu nhập từ 75% trở lên ở người di cư làm nghề thu gom rác, làm việc ở cơ sở dịch vụ và nghề khác tương ứng là 43%, 47% và 39%.
Phụ nữ bị tác động "kép" do đại dịch
Còn với kết quả nghiên cứu "Lao động phi chính thức trong đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó" được báo cáo tại Hội thảo khoa học tham vấn kết quả nghiên cứu Đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó mới đây cho thấy "cú sốc" Covid-19 đã tác động đến bốn khía cạnh: việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình của nhóm lao động phi chính thức.
Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ thuộc nhóm lao động phi chính thức phải chịu nhiều gánh nặng cung cấp thu nhập chính cho gia đình trong bối cảnh đại dịch. Trong khi đó, nhóm nữ giới này thường thực hiện các "công việc không lương" như: chăm sóc gia đình, nội trợ,… cộng thêm áp lực kinh tế, việc làm trong bối cảnh dịch bệnh dễ dẫn đến xung đột quan hệ giới và làm gia tăng bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, 76,7% số lao động phi chính thức được khảo sát là những lao động không có hợp đồng lao động, làm các công việc thời vụ, không có hộ khẩu thường trú, dẫn đến việc khó khăn trong công tác thực hiện bảo trợ y tế, xã hội và bảo trợ lao động thất nghiệp.
Không chỉ chiếm tỷ lệ cao trong nhóm lao động phi chính thức, phụ nữ còn là đối tượng phải hứng chịu nhiều tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 khi bất bình đẳng gia tăng.
Kết quả nghiên cứu "Ngân sách cho dịch vụ công có nhạy cảm giới tại Việt Nam" chỉ ra rằng ngân sách cho dịch vụ công tỷ lệ nghịch với gánh nặng của nữ giới về các công việc không lương và tỷ lệ thuận với khả năng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Chính vì vậy, việc cắt giảm ngân sách cho dịch vụ công về y tế và giáo dục đã gián tiếp cản trở phụ nữ theo đuổi những công việc được trả lương.
Cả hai nghiên cứu nêu trên cũng đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách đối với các đối tượng lao động phi chính thức và phụ nữ tại khu vực đô thị. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong ưu tiên đầu tư cho các dịch vụ công có ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội của các đối lao động phi chính thức, như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, nhà ở, phương tiện đi lại và việc làm thỏa đáng.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng đề cập khả năng gia tăng bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em, gia tăng các bệnh căng thẳng tâm lý cần được sự quan tâm đúng mức của các chính sách công; sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước chung tay bảo đảm cho các nhóm đối tượng thiệt thòi được tiếp cận với an sinh xã hội và bình đẳng giới, đặc biệt trong giai đoạn đô thị hóa cao hiện nay.