Lần đầu tiên ghép gan thành công cho người bệnh ung thư
- Sức khỏe
- 23:35 - 24/07/2018
Theo TS BS. Trần Công Duy Long – Phó Trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy BV ĐHYD, người nhận gan là anh Trần Văn V., (sinh năm 1968). Anh V mắc nhiều bệnh lý về gan như viêm gan B, xơ gan và ung thư gan chưa di căn. Người bệnh đã được chữa trị nhiều năm bằng phương pháp bơm hóa chất làm tắc nghẽn mạch máu nuôi khối u nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Bên cạnh đó, tình trạng xơ gan của anh ngày một nghiêm trọng. Nếu không được thay lá gan mới, thời gian còn lại của anh V chỉ từ 6 tháng đến 1 năm.
Chúng tôi đã tư vấn cho người bệnh thực hiện phẫu thuật ghép gan để giành lại cơ hội sống. Tuy nhiên, việc tìm người có gan phù hợp và sẵn sàng tặng một phần cơ thể của mình cho anh V quả không phải là điều đơn giản. May mắn thay, kết quả xét nghiệm cho thấy chị Trương Kim H., (sinh năm 1985) – vợ anh V là người có cùng nhóm máu cũng như tình trạng sức khỏe phù hợp để hiến gan cho anh.
Ê - kíp thực hiện ca ghép gan
Chia sẻ trước ca mổ, chị H cho biết bản thân chị không cảm thấy sợ hãi hay lo lắng khi đưa ra quyết định này, bởi điều chị quan tâm duy nhất là sức khỏe của anh được phục hồi, là cuộc sống lâu dài của hai đứa con thơ bé rất cần bố bên cạnh bảo ban dạy dỗ. Bên cạnh đó, được sự đồng hành, tư vấn tận tâm, hỗ trợ toàn diện chuyên môn, tâm lý, pháp lý từ các chuyên gia Hội đồng tư vấn hiến tạng BV, gia đình anh chị đã an tâm hơn rất nhiều và tin tưởng vào sự thành công của ca phẫu thuật.
Thực hiện ca phẫu thuật gồm 11 chuyên gia ghép gan từ bệnh viện ASAN Hàn Quốc. Các chuyên gia Hàn quốc đã cùng các bác sĩ BV ĐHYD tiến hành ca phẫu thuật cắt gan và ghép gan cho vợ chồng anh V – chị H. Sau 8 giờ làm việc căng thẳng với sự tham gia của gần 50 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế, ca phẫu thuật đã kết thúc. Một phần lá gan của chị H (50-60% thể tích gan ban đầu) được cắt ra, tạo hình và ghép thành công vào cơ thể anh V. Tình trạng của hai vợ chồng sau phẫu thuật khá ổn định.
Vợ bệnh nhân phục hồi sau 1 tuần hiến gan cho chồng
Một tuần sau, chị H đã xuất viện với sức khỏe phục hồi. Riêng anh V được chăm sóc trong phòng Hồi sức sau ghép bởi đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ hồi sức chuyên biệt. Sau 7 ngày chăm sóc đặc biệt, anh V được chuyển lên phòng nội trú Khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy khi tình trạng đã ổn định trong sự hân hoan của cả tập thể bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên BV ĐHYD và gia đình người bệnh. Lúc này, chị H đã quay trở lại Bệnh viện trực tiếp chăm sóc chồng mình. 1 tháng sau ca phẫu thuật, anh V đã có thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài và trở lại sinh hoạt bình thường.
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám Đốc BV ĐHYD cho biết: “Ghép tạng là kỹ thuật đỉnh cao về mặt điều trị, không chỉ đem lại cơ hội sống mới cho người bệnh mà còn thể hiện đẳng cấp về trình độ nhân lực chuyên môn, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và năng lực tổ chức của Bệnh viện thực hiện. Vì vậy, ghép tạng từ lâu đã trở thành định hướng phát triển chuyên môn của BV ĐHYD. Chúng tôi đã dành sự đầu tư chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ chuyên môn để đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn, yêu cầu nghiêm ngặt của kỹ thuật ghép tạng và đảm bảo sự thành công ngay từ ca ghép đầu tiên. Tiếp nối thành công ban đầu, Bệnh viện tiếp tục thực hiện một số ca ghép gan trong thời gian tới, mang lại cơ hội chữa trị cho nhiều người bệnh hơn nữa.”
Gia đình bệnh nhân hạnh phúc sau ca ghép gan thành công
TS BS. Trần Công Duy Long – Phó Trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy BV ĐHYD cho biết: “Vì gan có khả năng tái sinh bù trừ nên phần gan còn lại trong cơ thể người vợ sẽ phát triển lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể và đảm bảo sức khỏe chị H không bị ảnh hưởng sau khi hiến gan. Về phía anh V, phần gan ghép đã cơ thể người bệnh dung nạp tốt. Sự thành công của ca phẫu thuật ghép gan giúp người bệnh khỏi hẳn xơ gan, ung thư gan và có khả năng khỏi hẳn viêm gan B. Quan trọng hơn cả, ca phẫu thuật đã giúp anh V tiếp tục sống lâu dài cùng gia đình và chất lượng cuộc sống được cải thiện vượt bậc. Hiện tại sức khỏe anh V đã ổn định và xuất viện. Anh V sẽ tái khám thường xuyên trong một năm đầu sau ghép.”