Lần đầu tiên có một phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”
- Đông Y
- 07:50 - 11/09/2023
Đây là hoạt động ý nghĩa lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 và chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030.
Phiên họp có sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và 263 đại biểu trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phiên họp giả định nhưng ý kiến là thực chất
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức phiên họp cho biết, thời gian qua, các cấp bộ đoàn, đội đã rất quan tâm thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; trong đó nhiều chương trình, mô hình, hoạt động thiết thực, sáng tạo đã được triển khai nhằm tạo môi trường để các em được tìm hiểu, phát huy quyền tham gia của mình về các vấn đề liên quan. Tiêu biểu là mô hình “Hội đồng trẻ em”, giúp trẻ em chia sẻ sự hiểu biết, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, quan điểm của mình với vai trò đại biểu dân cử; được gặp gỡ, tiếp xúc và đề xuất ý kiến kiến nghị với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để xây dựng chính sách phù hợp với trẻ em địa phương.
Mô hình giả định “Quốc hội trẻ em” là cơ hội quý báu để các em tiếp xúc, tìm hiểu có hệ thống về hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước và các hoạt động quan trọng như lập hiến, lập pháp, việc quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội. Từ đó, các em được rèn luyện các kỹ năng như phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, phát biểu, trình bày trước công chúng.
Bên cạnh đó, được đóng vai đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ góp phần hình thành niềm đam mê với nghề nghiệp, nuôi dưỡng ước mơ trở thành người đại biểu của nhân dân hoặc lãnh đạo các cơ quan nhà nước trong tương lai.
“Có thể khẳng định, dù là các ý kiến thảo luận tại phiên họp “Quốc hội trẻ em” giả định nhưng lại là những ý kiến thực chất, phản ánh sinh động những suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em, đảm bảo được quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em theo luật định”, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh.
Khi trẻ em là các đại biểu Quốc hội
Tại phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, các đại biểu trẻ em tập trung thảo luận hai vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm: ”Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu trẻ em Ngô Kim Cương đến từ tỉnh Tây Ninh cho biết, ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng và yêu cầu để trẻ em được tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng trở thành một vấn đề bức thiết.
Do đó, đại biểu trẻ em Ngô Kim Cương đề xuất, hơn ai hết, gia đình, đặc biệt cha mẹ chính là những “lá chắn” cho trẻ, nên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn cho trẻ em những kiến thức cơ bản như không ấn vào đường link lạ, biết cung cấp thông tin đúng cách, định hướng để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng.
Đại biểu trẻ em cũng đề xuất Bộ Giáo dục & Đào tạo cần tăng thời lượng dạy và học môn Tin học, ngoài những kiến thức về ứng dụng cơ bản như word, excel cần cho học sinh trang bị kỹ năng tiếp xúc với Internet an toàn. Môn Giáo dục công dân cần có nội dung phòng, chống xâm hại qua môi trường mạng.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu trẻ em Khúc Trà Giang đến từ Hải Phòng nêu thực trạng trẻ em hiện nay tiếp xúc nhiều trên mạng xã hội, nội dung thu hút các bạn chủ yếu là các câu chuyện drama, các tựa game, các xu hướng, trào lưu như chụp ảnh chuyển qua anime, qua truyện…
“Khi bị bạo lực mạng, các bạn không dám báo cho người lớn vì có nhiều trường hợp đối tượng đi bắt nạt tuy đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục trả thù” - Khúc Trà Giang cho biết.
Để giải quyết tình trạng trên, đại biểu trẻ em đề xuất một số giải pháp như đề nghị nhà trường đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào các môn học trong trường học như Giáo dục công dân, Tin học. Đồng thời, chú trọng hơn trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em có thể tự bảo vệ bản thân và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật cần đổi mới, sử dụng những bài đăng ngắn hay các mẩu chuyện đối đáp, bức tranh sống động cùng với những lời thoại súc tích, dễ hiểu để trẻ em có thể hiểu biết thêm về các bộ luật…
Đại biểu trẻ em Vũ Trường Giang đến từ Lai Châu giả định vai trò Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra nhận định: “Chúng tôi ghi nhận và đồng tình cao đối với các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã thảo luận trong phiên họp này. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Quốc hội đã đề cập trong phiên họp ngày hôm nay”.
Trên đây là một vài ý kiến và giải pháp mà các đại biểu trẻ em đã chia sẻ tại phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”.
Tiếng nói của trẻ em làm thay đổi nhận thức của người lớn và thay đổi thế giới
Chia sẻ tại phiên họp giả định, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn các đại biểu trẻ em tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng trong số các đại biểu trẻ em tham dự chương trình sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, nhận được sự tín nhiệm của nhân dân và trở thành đại biểu Quốc hội thực sự.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá Phiên họp Quốc hội giả định là một mô hình rất có ý nghĩa và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.
“Thực tế trên toàn cầu cũng cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã lay động, làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi cả thế giới. Ý kiến thảo luận của các cháu, và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định, sẽ là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.