Làm thế nào để "cai nghiện" Facebook?
- Công nghệ mới
- 16:41 - 22/02/2019
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, 70% số nhân viên thừa nhận rằng có “check” Facebook trước khi bắt đầu làm việc. “Cơn nghiện” Facebook đang ngày càng trở nên trầm trọng, không những gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp nơi làm việc, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân người sử dụng do nguy cơ mất tập trung, giảm hiệu quả công việc, thậm chí mất việc.
Không chỉ có vậy, Facebook còn khiến các mối quan hệ xã hội trở nên xa cách hơn khi con người hầu như chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại để tương tác ảo mà quên mất những người thân hoặc bạn bè xung quanh.
Sau đây là những cách giúp người dùng kiểm soát việc sử dụng Facebook thường xuyên.
1. Không để Facebook luôn trong trạng thái đăng nhập
Đặc điểm của những “con nghiện” Facebook là liên tục lướt News feed để kiểm tra xem có thông tin gì mới hay không. Nếu luôn giữ đăng nhập Facebook trên điện thoại hoặc laptop, sự tò mò trong việc kiểm tra các tin nhắn, tin mới là không thể tránh khỏi.
Thoát Facebook là một cách hay giúp người dùng biến thói quen tự động vô thức thành một nỗ lực có ý thức. Hãy cố gắng đăng nhập Facebook vào một khoảng thời gian ngắn như giải lao hay nghỉ ăn trưa. Sau đó, khi học tập hoặc làm việc trở lại, người dùng hãy đăng xuất ngay lập tức.
2. Tắt các thông báo (notification) từ Facebook
Một việc khác cần làm nếu muốn rời xa Facebook là người dùng phải tắt các thông báo từ Facebook đi. Hãy tưởng tượng, khi đang tập trung học tập và làm việc mà điện thoại hoặc máy tính hiện lên thông báo rằng có một bình luận (comment) được đưa lên tường của bạn thì ngay lập tức chúng ta sẽ khó mà tập trung được nữa.
Việc tắt những thông báo này giúp người dùng tránh bị thu hút và “cám dỗ” xem liệu mọi người đang nói cái gì. Hoặc người dùng cũng có thể chọn để Facebook gửi các thông báo này tới email và kiểm tra vào những thời gian phù hợp mà không cần phải đăng nhập vào Facebook.
3. Nghĩ đến những thứ khác khi muốn dùng Facebook
Bất kỳ khi nào người dùng cảm thấy muốn “click” vào biểu tượng Facebook, hãy đứng dậy, đi ra ngoài làm một cốc cà phê hoặc đi dạo một vòng quanh cơ quan.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể tham gia một số hoạt động thể dục thể thao và chuyển hướng sự quan tâm của mình ra ngoài Facebook. Đây là cách thức tương tự như dành cho một con nghiện thuốc lá: họ giảm độ nghiện bằng cách nhai kẹo cao su mỗi khi tới “cơn”. Trên thực tế, Facebook đã được chứng minh là gây nghiện mạnh hơn cả thuốc lá hay đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, người dùng cũng nên áp dụng cách “cai nghiện” này sao cho hợp lý. Nếu nơi làm việc không tiện để đi ra ngoài thì người dùng có thể ngồi tại chỗ, vận động tay chân nhẹ nhàng hoặc quay sang hỏi người đồng nghiệp ngồi cạnh một vài câu hỏi ngắn liên quan đến công việc.
4. Sử dụng Facebook một cách có ý thức
Nếu trước kia, chúng ta sử dụng Facebook như một thói quen và dính với nó suốt ngày. Thì giờ đây, hãy sử dụng Facebook có mục đích và giới hạn cụ thể. Hãy chỉ đưa lên một comment hay câu trả lời một ai đó, sau đó phải đăng xuất ngay. Đừng để bản thân tự do đăng nhập và lướt Facebook vô thời hạn. Hãy xem Facebook như một nhiệm vụ cụ thể trong danh sách việc cần làm và có khoảng thời gian cụ thể cho việc đó. Tốt hơn hết, hãy sử dụng Facebook khi nghỉ giải lao.
5. Chuyển sang dùng những mạng xã hội ít “gây nghiện” hơn Facebook
Nếu quá “nghiện” Facebook, người dùng có thể sử dụng những trang mạng xã hội khác để duy trì liên lạc và chia sẻ. Có rất nhiều mạng xã hội giúp người dùng “buôn chuyện” nhanh và thư giãn đầu óc mà không tiêu tốn nhiều thời gian như Facebook, chẳng hạn Instagram hay Zalo. Những trang mạng này vẫn gây “nghiện”, nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Tuy nhiên, cũng không nên để xảy ra tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” khi “né” Facebook mà lại chuyển sang “nghiện” những mạng xã hội này.
Vì sức hấp dẫn của Facebook quá lớn, chúng ta cũng đã quen với việc gắn bó và “sống” với nó hằng ngày nên việc từ bỏ thói quen này cũng sẽ rất khó khăn. Người dùng cần quyết tâm và kiên trì những “biện pháp” cai nghiện này, cố gắng rời xa “thế giới ảo” để đảm bảo được một cuộc sống thực có chất lượng hơn.