"Làm thế nào để bớt nhỏ nhen?", mách bạn 5 bước ngừng sân si
- Bác sĩ
- 15:10 - 21/05/2020
Cho rằng mình từng là người có thói nhỏ nhen khi nhìn thấy một người có ngoại hình khác biệt, vlogger Giang Ơi đã từng bước cải thiện thói quen xấu ấy. Cô cho rằng những người không có thói quen ấy sẽ sống bao dung, lạc quan, hạnh phúc hơn, không cần phải bận tâm đến những điều xung quanh mình rồi tự "chuốc" sự tức giận. Chính vì thế, từ những trải nghiệm của bản thân, Giang Ơi chia sẻ những bước quan trọng để giảm bớt nhỏ nhen.
Bước 1: Xác định nguyên nhân của thói nhỏ nhen
Giang Ơi cho rằng đầu tiên, hãy tìm hiểu xem thói nhỏ nhen của mình đến từ đâu. Chúng ta sinh ra là tờ giấy trắng như nhau, qua thời gian, chúng ta sẽ thấy mình là sản phẩm của hành trình lớn lên của mình: những gì mình thấy, những gì mình nhìn công thêm những gì mình được dạy, cá tính của mình, kiến thức của mình, mức độ nhìn nhận vấn đề nằm ngoài vùng an toàn… Tất cả những điều đó sẽ tạo ra sự rộng mở hay thói nhỏ nhen.
Một người trưởng thành nhỏ nhen có thể được tạo ra từ môi trường sống hay ảnh hưởng của cha mẹ họ. Một lý do khác của sự nhỏ nhen có thể là do thiếu kiến thức, sự yếu kém về năng lực có thể làm cho người ta tự tin thái quá, cảm giác biết hết rồi, lúc nào cũng đúng, bảo thủ ý kiến của bản thân không muốn tiếp thu ý kiến của người khác... Hiểu được nguyên nhân của thói nhỏ nhen sẽ từng bước biết giải quyết vấn đề.
Bước 2: Bắt quả tang chính mình khi đang sân si
Khoảnh khắc đó có thể là khi bạn đang xem mở đầu một bài báo, một video hay nhìn thấy một người có ngoại hình khác biệt hoặc nghe thấy một câu nói "mở màn" cho một cuộc hội thoại nói xấu... Đây là những dịp điển hình để sự nhỏ nhen trỗi dậy. Bạn cần phải "chộp" được khoảnh khắc này.
Bạn có thể không kiểm soát được cảm xúc của mình nhưng bạn có thể phân tích cảm xúc đó: Tại sao mình có nó? Cảm xúc này có tốt cho mình hay không? Khi bạn đủ dũng cảm để thừa nhận nó, bạn sẽ có đủ dũng cảm để cải thiện nó. Sự nhỏ nhen xuất phát từ sự tự ti của chính bản thân.
Một người sống vui vẻ sẽ không bao giờ trút giận lên những người mình không quen biết. Đổ lỗi của mình cho người khác chỉ là cách che giấu tạm thời sự tức giận của bản thân mà thôi.
Bước 3: Đặt ra một số câu hỏi
Những câu hỏi này có vai trò phản biện lại thành kiến của bạn. Giang Ơi liệt kê những câu hỏi bạn cần tự hỏi bản thân:
- Kiến thức của mình trong lĩnh vực này ở mức nào?
- Mình hiểu nguồn tin/người phát ngôn này ở mức nào?
- Liệu mình có đang nhìn tiêu đề mà đánh giá toàn bộ nội dung?
- Liệu mình có định kiến hay thiên vị cá nhân ảnh hưởng đến cái nhìn khách quan không?
Khi đặt các câu hỏi này, bạn sẽ có cái nhìn đa chiều và khách quan hơn, tránh để cảm xúc bộc phát, kiểm soát toàn bộ suy nghĩ và hành động của mình. Dần dần, việc đặt những câu hỏi này thành thói quen, bạn sẽ trở nên lí trí hơn, bao dung hơn và có tư duy phản biện. Hơn nữa, quá trình đặt câu hỏi sẽ giúp bạn bình tĩnh lại và xử lý vấn đề.
Bước 4: Hãy khiêm tốn một chút
Khi chúng ta khiêm tốn trong cách học hỏi, bản thân không chỉ bớt nhỏ nhen hơn mà sẽ có thêm cách nhìn mới, trải nghiệm mới và sống sẽ vui vẻ hơn.
Bước 5: Luôn ghi nhớ vấn đề của mình
Đã bao giờ bạn suy nghĩ lại và tự hỏi bản thân rằng: "Tại sao mình lại hậm hực với người khác trong khi họ đang làm việc phù hợp với chính họ?"
Tất nhiên, mỗi người đều có quan điểm vững chắc về một lĩnh vực gì đó và vì thế, chẳng thiếu những khoảnh khắc bản thân không hài lòng với bất cứ quan điểm nào của những người khác. Tuy nhiên, sự nhỏ nhen ấy lại đem đến sự khổ sở cho bản thân. Bớt nhỏ nhen đi, chúng ta sẽ trân trọng sự khác biệt của mỗi người.