THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:50

Làm sao để không phải suốt ngày đi “giải cứu” nông sản?

 
Đại biểu Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ chế, chính sách trong thời gian tới giúp cho các viện, trường đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu? Khẳng định đây là trọng tâm công tác và trăn trở của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng một hạn chế xuyên suốt thời gian qua là chậm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Trong thời gian tới bên cạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, Bộ KHCN sẽ đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh quá trình này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội về phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong việc tăng năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng cho biết, tinh thần chung của Chính phủ là tập trung mọi nguồn lực để nâng cao nâng suất lao động, cụ thể như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong nâng cao năng suất nội ngành và chất lượng đào tạo nghề; cải thiện môi trường kinh doanh... Qua khảo sát của Bộ Khoa học Công nghệ ở 2.000 doanh nghiệp, có 35% đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin giúp năng suất lao động tăng 1,7 lần; toàn bộ khối dùng công nghệ từ trung bình đến cao tăng ít nhất 2 lần năng suất lao động.
"Giải pháp của chúng tôi là là tập trung toàn bộ nội lực, gồm các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, tác động mạnh vào nhóm doanh nghiệp dẫn dắt công nghệ, nhóm doanh nghiệp vệ tinh phụ trợ và nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn
 
Đại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi về hiệu quả của nghiên cứu khoa học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Bà Nga dẫn chứng, thời gian qua chúng ta phải giải cứu rất nhiều mặt hàng nông sản như hành, tỏi, dưa hấu và hiện nay đang phải giải cứu su hào, củ cao. Vậy Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp nào để không phải giải cứu nông sản?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, trước đây chỉ có một Chương trình quốc gia có nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu nông sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nên Bộ Khoa học công nghệ đã  đặt hàng một số doanh nghiệp, nghiên cứu quy trình chế biến, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất và chế biến nông sản. Mặc dù vấn đề này mới được đặt ra nhưng đây là giải pháp đồng  để giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn chứng, gần đây, vải thiều đã đươc chế biến và xuất đi  đi rất nhiều thị trường trên thế giới. Vừa rồi giá trị xuất khẩu rau quả cũng đsã vượt dầu khí. “Còn về giải pháp căn cơ thì phải thực hiện tư duy chuỗi sản xuất. Đặc biệt là công nghiệp chế biến phải thế nào. Ngay trong năm nay chúng ta sẽ có thêm 8 nhà máy về chế biến nông sản theo chuỗi được khánh thành”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga liên quan dến 3 bộ, thậm chí liên quan đến cả hệ thống. Hiện nay, hai khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp là chế biến và thị trường. Chúng ta đang tập trung cả về mặt thể chế, chính sách để giải quyết khâu yếu này, đồng thời,  tái cơ cấu  ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp thì cần tổ chức tái cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi chứ không thể sản xuất nhỏ lẻ manh mún. Đầu tiên là phải nghiên cứu quy hoạch dựa trên nhu cầu của thị trường. Hiện nay nhu cầu của thị trường là có nhưng không có nghĩa là khi ta ký được FTA là ta tiếp cận được thị trường mà còn hàng rào kỹ thuật và các tiêu chuẩn. Do vậy,   ở đây công nghệ đóng vai trò quan trong. Phải bắt đầu theo mô hình chuỗi để nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, vượt qua hàng rào kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của thị tường thế giới, do vậy, cần có vai trò của doanh nghiệp để đưa kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiệm vụ của 3 Bộ là đưa ra các chính sách để sử dụng ứng dụng của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp người dân áp dụng được vào sản xuất. 
 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh