Làm sao để chọn thịt an toàn, không chất cấm trong dịp Tết?
- Y học 360
- 16:13 - 30/01/2016
Thịt là loại thực phẩm không thể thiếu được trong những dịp lễ, Tết. Trong đó, mức tiêu thụ nhiều nhất đó chính là thịt lợn, thị gà và thịt bò. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc phát hiện ra hàng tấn thịt thối, thịt chứa hàm lượng kháng sinh hay gà chứa chất vàng ô… khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.
Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi: Làm sao để lựa chọn được thịt lợn không chứa chất kháng sinh, thịt bò không chất bảo quản…? Các chuyên gia cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì khó có thể nhận biết được đâu là thịt an toàn và đâu là thịt mất an toàn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong dịp tết các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng càng nhiều. Gần đây, nhiều vụ việc các cơ quan chức năng phát hiện ra hàng tấn thịt thối, chuẩn bị được tẩm ướp để đưa ra thị trường khiến người tiêu dùng cảm thấy “rùng mình” mỗi khi mua sản phẩm.
“An toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay không chỉ nóng trên diễn đàn báo chí mà còn nóng trên cả diễn đàn Quốc hội. Người tiêu dùng ngày càng lo lắng trước tình hình ATTP. Ví dụ như vấn đề thịt lợn có chứa chất tạo nạc, gà nuôi bằng vàng ô, hay chuối dấm bằng thuốc diệt cỏ… khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương đã phát hiện ra nhiều vụ việc mất ATTP, nhưng ATTP vẫn là nỗi bức xúc, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán”, ông Hùng nói.
Người dân có thể chọn thịt an toàn bằng cảm quan của mình.
Trước tình trạng mất an toàn thực phẩm như vậy, nên nhu cầu nhận biết thực phẩm an toàn đối với người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán là cần thiết hơn bao giờ hết. Liên quan đến vấn đề này Ths. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, để mua được thực phẩm an toàn, trước tiên người tiêu dùng nên lựa chọn mua ở những cửa hàng, nơi bán hàng uy tín, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng. Khi lựa chọn thịt bò người tiêu dùng phải có màu đỏ tươi; thịt lợn phần nạc có màu hồng, còn mỡ thì màu trắng; thịt gà thì da phải có màu trắng ngà hoặc hơi vàng nhạt. Bề mặt thịt nói chung phải cứng và có độ đàn hồi, tức là khi ấn ngón tay vào sẽ không để lại vết lõm lâu trên bề mặt thịt. Các loại thịt thì phải không có mùi lạ.
Phó Cục trưởng Trần Việt Nga khuyến cáo, người tiêu dùng không nên chọn các loại thịt có đặc điểm như: Thịt lợn bệnh thường có mỡ vàng, thớ thịt nhão hoặc trong thớ thịt có những đốm trắng như hạt gạo; khi ấn ngón tay lên miếng thịt thì để lại vết lõm lâu; bên ngoài mặt có hiện tượng nhớt, có mùi khó chịu hoặc da có vết bầm.
Thịt trong siêu thị là thịt được bảo quản ở chế độ lạnh hoặc lạnh đông theo đúng các nguyên tắc về bảo quản an toàn thực phẩm. Vì vậy, thời gian để bảo quản thịt có thể được kéo dài hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề lựa chọn thực phẩm trong những ngày Tết, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân khi lựa chọn thực phẩm nên chọn thực phẩm có chứng nhận kiểm dịch thú y. Ngoài ra, màu sắc của nội tạng phải tự nhiên, không có đốm xuất huyết, không có mùi lạ, không có ruồi, côn trùng đậu. Khi sờ bằng tay thấy chắc, có độ đàn hồi tốt, không chảy nước, không có nhớt và các mạch máu trên nội tạng rõ, màu sắc tươi.